Xẩm Hà thành
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:10, 24/09/2011
Gánh hát xẩm. Ảnh tư liệu |
Trong dân gian có truyền thuyết về người khiếm thị đi hát, chuyện rằng thế kỷ XIII, Hoàng tử Trần Quốc Đĩnh bị người em trai đâm mù mắt giữa rừng xanh, đoạt ngọc quý để chiếm ngôi vua. Trong cơn mê sảng, Quốc Đĩnh mơ thấy mình được ca hát với một bày tiên nữ trong tiếng nhạc tưng bừng… Tỉnh dậy, Hoàng tử mới biết là mình được những người dân quê hết lòng chăm sóc. Qua cơn hoạn nạn, nhớ lại giấc mơ và để tỏ lòng báo đáp dân làng, Quốc Đĩnh đã lần mò tự tay chế tác cây đàn bằng một ống tre dài, có cần mềm để nắn tiếng chỉnh âm, lại có dây xe bằng vỏ cây và có que để bật, gõ thành tiếng nhạc. Hoàng tử còn soạn ra lời bài hát, kể lể tâm tình của mình, của đời với mọi người, mọi nhà, tay đàn miệng hát khắp mọi nơi, từ bến sông, bãi chợ, sân đình… Tiếng tăm của chàng ca sĩ mù vang đến tận kinh thành, Thái thượng Hoàng cho vời vào cung, mới hay đó chính là Hoàng tử mất tích năm nào… Từ đấy, Quốc Đĩnh ra sức dạy mọi người đàn hát, nhất là những người khiếm thị, vừa để vui đời, vừa là nghiệp mưu sinh…
Trong cuốn "Việt Nam phong tục", Phan Kế Bính viết về xẩm như sau: Hát xẩm gồm tập hợp những người mù mắt từ 5 hoặc 6 người học nghề đàn hát, cả đàn ông, đàn bà dắt nhau đến nơi thành thị, kiếm chỗ đông người, trải chiếu ngay vệ đường mà hát. Trong hát xẩm, người thì đánh trống, gõ phách, người thì kéo nhị, người gẩy đàn bầu, rồi đồng thanh mà hát, hoặc đi giọng Nam, hoặc đi giọng Bắc, đi theo tiếng nhị, tiếng đàn, nghe cũng vui tai. Đàn bà, trẻ con, người lớn xúm xít vào xem, có người thưởng dăm ba đồng kẽm, có người thưởng vài xu... Trong "Lịch sử Âm nhạc dân gian cổ truyền Việt Nam" do Viện Nghiên cứu âm nhạc xuất bản năm 1996, tác giả Nguyễn Viêm nhận định "Hát xẩm là một nghề sinh nhai của người mù, nghề ấy chính là một kế cứu kẻ tàn tật. Ban đầu hát xẩm còn sơ lược, chỉ vận làn xẩm vào trong vài câu ca dao đơn giản. Nhưng dần dần do yêu cầu của người nghe, hát xẩm đã tiến tới trọn một đoạn dài với nội dung đến vài chục câu, có khi hát cả một câu chuyện kéo dài đến hết cả một buổi". Phần lớn xẩm được "phổ" từ các bài thơ đơn giản nhưng súc tích và giàu tính tự sự. Thực ra những bài hát xẩm không chỉ là hát về tâm trạng của người mù, sáng tạo nghệ thuật của họ là nói về nhân tình thế thái. Họ là những người tạo nên nét đặc trưng cho nghệ thuật hát xẩm. Để an ủi, chia sẻ với những người hát xẩm, dân gian có câu:
Tham giàu lấy chú biện tuần
Tuy rằng bóng bẩy nợ nần chan chan
Thà rằng lấy chú xẩm xoan
Công nợ không có hát tràn cung mây...
Nhưng tại sao lại là hát xẩm? Xẩm đồng nghĩa với từ "sờ" được nói chệch đi để chỉ động tác "sờ soạng" của những người không may mắn bị mù lòa, khiếm thị. "Xẩm tối", từ chỉ thời gian vào cuối buổi chiều, ánh nắng tắt dần, trời sắp tối, vì thế người sáng mắt nếu chậm chạp thường bị mắng "như xẩm sờ... ". Vì thế mà có chữ hát xẩm chăng?
Nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ, người có nhiều năm nghiên cứu nghệ thuật xẩm cho rằng, không cần ăn xin, nhưng phải là người mù mới có thể hát hay. Chính người mù mới tạo nên những âm điệu riêng, đặc sắc vì họ cảm nhận cuộc sống qua đôi tai. Khi hát đúng tâm trạng người dân, họ càng được yêu mến. Từ yêu cầu của khách thưởng thức đòi hỏi người theo nghề phải thể hiện nội dung ngày một mở rộng, câu hát dài hơn, nhân vật nhiều hơn, tích chuyện sâu hơn... nên dù trong tình cảnh mù lòa, ngồi một chỗ vừa hát, vừa đàn, vừa làm điệu bộ, nó cũng gia tăng làn điệu với sắc thái liên quan nhiều đến kết cấu làn điệu của hát chèo. Nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ nhận định: Cũng có thể xẩm ra đời trước chèo, là một trong nhiều nguồn góp phần cấu thành hát chèo. Hoặc xẩm chỉ là bản sao vụng về của hát chèo trong điều kiện và hoàn cảnh hạn chế của những người tật nguyền. Có thể giữa xẩm và chèo có mối liên quan ruột rà bởi chính nghệ nhân xếp hát xẩm và chèo cùng loại trung ca, trong khi tuồng vào loại võ ca, ca trù vào loại văn ca.
Xẩm có rất nhiều bài, nhưng có 7 bài đặc trưng là Xẩm chợ, Chênh bong, Riềm huê, Ba bậc nhịp bằng, Phồn huê, Hát với ai và Xẩm thập ân với những làn điệu Xẩm chợ, Xẩm thập ân, Xẩm tàu điện... Những bài Riềm huê, Ba bậc, Phồn huê… ban đầu chỉ có ở xẩm Hà Nội, sau đó đã "loang" ra để có những điệu xẩm Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên… Song xẩm Tàu điện (na ná giống điệu Đưa đò) không chỉ là làn điệu mà còn được hiểu đó là nơi họ hay kiếm sống. Tàu điện tuyến Bờ Hồ - Thụy Khuê chạy thử chuyến đầu tiên vào ngày 13-9-1900. Năm 1901 khai trương tuyến Bờ Hồ - Ấp Thái Hà. Năm 1906 khai trương tuyến Bờ Hồ - Mơ. Sau đó năm 1915 người ta làm thêm đường vào bến xe Hà Đông. Năm 1929 khai trương tuyến Bờ Hồ - Đại Cồ Việt và vào năm 1943 thì kéo dài tới trước cổng chính Bệnh viện Bạch Mai. Ở tuyến Bờ Hồ - Mơ ban đầu là đường ray đi qua phố Cầu Gỗ, khi chỉnh trang khu vực này chính quyền thành phố cho chuyển ra sát mép hồ. Từ bến chính Bờ Hồ, tàu điện tỏa đi 6 hướng (Hà Đông, Cầu Giấy, Mơ, Vọng, Bưởi và Yên Phụ) và rồi lại quay trở về Bờ Hồ. Do đó xẩm Hà Nội ra đời vào đầu thế kỷ XX, muộn hơn các tỉnh, thành khác được cho là xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX. Tàu điện là phương tiện giao thông công cộng được tầng lớp thị dân ưa chuộng vì giá vé rẻ và rất tiện dụng nên lúc nào cũng đông khách. Dù chỉ tối đa có 3 toa, nhưng liên tục leng keng chuyến đi, chuyến về, khách lên, khách xuống và khách đi tàu bao giờ cũng có dăm ba xu lẻ trong túi, đó là cơ hội tốt để các nhóm hát xẩm kiếm ăn. Họ hát cho khách nghe trước khi tàu chuyển bánh, khi chuyến tàu đó chạy, họ lại chuyển sang chuyến khác, hát cho đến khi nhà tàu nghỉ. Nhưng có khi đang hát thì tàu chạy nên cả nhóm không kịp xuống thế là đành theo và xuống bến gần nhất để lên tàu khác quay lại Bờ Hồ. Song tại sao các nhóm hát xẩm không chọn ga Hàng Cỏ cũng là bến tàu và còn đông đúc người đưa, kẻ đón hơn bến tàu điện? Ga Hàng Cỏ tuy đông nhưng lại không có chuyến đi chuyến về liên tục như tàu điện, hơn nữa khách xuống ga là họ về nhà hay đến ngay đến nơi cần đến. Còn khách chờ tàu thì cũng chỉ có từng đấy, vả lại mua vé xong sợ mất cắp nên họ giấu tiền vào trong người, muốn cho họ lại phải móc hầu bao ra nên nhiều người ngại. Người hát xẩm hiểu điều ấy nên họ không ra bến tàu hỏa là vì thế. Hát xẩm thường đi theo nhóm, có khi là hai, có khi là ba người. Một người kéo nhị, một người hát. Có nhóm người vừa kéo nhị vừa hát còn người kia chìa nón. Những bài họ hát chủ yếu ca ngợi Hà Nội, ít hát các bài về thân phận, nỗi khổ như ở bến đò, chợ quê. Những năm 30 của thế kỷ trước, bài phổ biến của các nhóm là “Vui nhất Hà thành”:
Bắc Kỳ vui nhất Hà thành
Phố phường sầm uất văn minh rợp trời
Thanh tao lịch sự đủ mùi
Cao lâu rạp hát vui chơi đủ đầy
Đâu đâu khắp hết đông tây
Thăng Long thắng địa xưa nay tiếng đồn
Cũ thời băm sáu phố phường
Ngày nay mở rộng đến hàng vài trăm
Người đi xe chạy ầm ầm
Đua chen thương mại bội phần hơn xưa
Nhất vui là cảnh Bờ Hồ
Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Ngang
. . .
( Còn nữa)