Bài học về nhận thức?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:43, 24/09/2011
Việc cà phê Buôn Ma Thuột bị một công ty Trung Quốc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu một lần nữa cho thấy nhận thức yếu kém của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong việc bảo vệ thương hiệu. Xung quanh vấn đề trên, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc phụ trách bộ phận Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật BROSS & PARTNERS, người đã phát hiện ra vụ việc trên.
- Việc công ty Trung Quốc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và logo cà phê Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) của Việt Nam có vi phạm luật pháp quốc tế?
Cách đây vài năm, thương hiệu cà phê Trung Nguyên cũng đã bị “đánh cắp” tại thị trường Mỹ.
- Theo luật quốc tế, bất cứ một tổ chức, đơn vị, DN nào đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà sản phẩm và chỉ dẫn địa lý đó chưa được đơn vị nào đăng ký sẽ được cấp nhãn hiệu bảo hộ. Nó cũng giống như mình đi đăng ký tên miền, không trùng khớp, chưa ai dùng thì là hợp lệ. Công ty đó đã lợi dụng qui định của pháp luật Trung Quốc về xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong đó có quyền đối với nhãn hiệu để nộp đơn đăng ký. Theo luật của Trung Quốc thì một địa danh chưa nổi tiếng với dân chúng Trung Quốc thì vẫn cấp đăng ký nhãn hiệu. Dưới góc độ thương mại thì đây là hành vi gian trá, không trung thực khi kinh doanh.
- Vậy quy trình đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột sẽ theo trình tự thế nào, thưa luật sư?
- Trước tiên chúng ta phải tiến hành thu thập chứng cứ cụ thể như: Đăng bạ quốc gia của Buôn Ma Thuột được cấp năm 2005, có chỉ dẫn địa lý cụ thể; thứ hai là tài liệu về lịch sử hình thành và phát triển Buôn Ma Thuột như thế nào? Vấn đề thổ nhưỡng ở Buôn Ma Thuột ra sao; báo chí và các nhà khoa học nước ngoài đánh giá như thế nào về thổ nhưỡng Buôn Ma Thuột; hay cây cà phê ở đó có từ khi nào? Tại buổi tham vấn mới đây với UBND tỉnh Đắc Lắc, đại diện Sở Công thương tỉnh này cho biết, dù có một lượng lớn cà phê thô được XK nhưng trên bao bì vẫn in " Cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, Việt Nam". Đây cũng là một chứng cứ quan trọng. Con số các nước nhập khẩu cà phê, giấy chứng nhận khi cà phê Buôn Ma Thuột tham gia hội thảo, hội chợ thương mại quốc tế; những đánh giá của chuyên gia nước ngoài về cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam… Sau khi có chứng cứ, phải lựa chọn một công ty luật Trung Quốc. Vì theo luật Trung Quốc, bắt buộc phải sử dụng công ty luật của địa phương, người ta không chấp nhận bất kỳ một cá nhân, pháp nhân người nước ngoài nào tham gia vào quá trình tố tụng. Mình phải lựa chọn công ty luật có chất lượng, lựa chọn xong sẽ phối hợp để chuẩn bị đơn khiếu nại và tiến hành theo luật nhãn hiệu của Trung Quốc, yêu cầu hủy hiệu lực của nhãn hiệu đã cấp. Cơ quan thụ lý sẽ là một ban gọi là Ban Giải quyết các tranh chấp về nhãn hiệu thuộc Bộ Công thương Trung Quốc, nó độc lập với cơ quan cấp nhãn hiệu của Trung Quốc.
- Theo luật sư, Việt Nam có bao nhiêu phần thắng trong cuộc chiến thương hiệu này?
- Nếu dùng con đường pháp lý để hủy bỏ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được Trung Quốc đăng ký bảo hộ thì phải căn cứ theo qui định luật pháp Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta có đầy đủ chứng cứ khi đưa ra pháp luật. Vậy nên khả năng thành công rất cao, phần thắng có thể lên tới 80-90%, vì luật có những quy định rất rõ, tôi tin là không có lý gì mà mình không thắng được.
- Nhiều mặt hàng nông sản XK Việt Nam đứng số 1, số 2 trên thế giới, nhưng theo Bộ NN&PTNT mới chỉ có khoảng 20% sản phẩm này được đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam, chứ chưa nói gì ở các quốc gia trên thế giới. Luật sư nghĩ sao về điều đó?
- Nếu đăng ký bảo hộ một nhãn hiệu tại 84 nước tham gia Nghị định thư Madrid, Đắc Lắc chỉ mất có 20.000 USD. Còn nếu đăng ký ở những nước không tham gia thỏa ước này, chi phí tại mỗi nước chỉ từ vài trăm đến hơn 1.000 USD. Tương tự, với các mặt hàng khác cũng vậy. Nhiều DN đổ lỗi là do không có tiền, đó là ngụy biện. Thực tế các DN, tổ chức chưa nhận thức đầy đủ vai trò, giá trị của thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Nhiều DN còn cho rằng không được lợi gì từ việc đăng ký thương hiệu. Trong kinh doanh thương hiệu mới là quan trọng, cái đó mới có giá trị lâu bền, là nguồn tạo ra giá trị thặng dư, giữ vị trí cho các mặt hàng XK hàng đầu của Việt Nam. DN vẫn hiểu ở góc độ rất hẹp, như một lát cắt chứ chưa thấy được bối cảnh chung, dù XK dưới dạng nào thì việc đăng ký nhãn hiệu cũng được người tiêu dùng thế giới tin tưởng và chọn lựa. Ai nói là DN không được hưởng lợi? Nhiều người còn ngộ nhận đã đăng ký bảo hộ ở Việt Nam là đã được bảo vệ trên toàn thế giới thông qua việc tham gia các hiệp hội quốc tế, các công ước quốc tế. Đây là nhận thức sai lầm. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên thế giới chính là bảo vệ tài sản quốc gia.
- Có thông tin cho rằng Đắc Lắc sẽ chọn con đường ngoại giao để đòi lại thương hiệu, luật sư nghĩ sao về điều đó?
- Ngày 15-9, tôi có vào Đắc Lắc dự buổi họp tham vấn cho UBND tỉnh những đánh giá về pháp lý, các giải pháp và tính khả thi của nó khi tham gia khởi kiện đòi lại thương hiệu cà phê. Các sở, ngành đều đồng ý bằng con đường pháp lý. Thế nhưng sau đó lập trường lại thay đổi, chuyển sang con đường ngoại giao. Theo quan điểm của tôi sẽ là rất khó nếu tiến hành bằng con đường này.
Xin cảm ơn luật sư!