Chỉ tại cái… ngã ba (?!)

Đời sống - Ngày đăng : 02:53, 24/09/2011

Hai phiên tòa, vẫn chưa thấy ra bản án thuyết phục (HNM) - Một vụ án khá hy hữu, công dân kiện CA quận Cầu Giấy, Hà Nội về quyết định xử phạt hành chính lỗi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đã thu hút sự quan tâm của dư luận


Anh Nguyễn Đức Đông (áo trắng) tại phiên phúc thẩm

Ngày 15-11-2010, ông Nguyễn Đức Đông (ở huyện Từ Liêm, Hà Nội) điều khiển xe ô tô từ đường Phan Văn Trường, qua điểm giao với đường Xuân Thủy (ngã ba), ông Đông đã quan sát không thấy có biển cấm đỗ xe nên đã đỗ xe tại lòng đường khu vực trước cửa số nhà 61-63 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Với việc đỗ dừng xe này, ông Đông đã bị cán bộ Đội CSGT - Trật tự phản ứng nhanh - CA quận Cầu Giấy lập biên bản vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ. Tiếp đó, ngày 16-11-2010, căn cứ vào biên bản vi phạm, CA quận Cầu Giấy ra quyết định xử phạt hành chính số 284587, mức phạt 800 nghìn đồng và tạm giữ Giấy phép lái xe trong thời gian 30 ngày.

Cho rằng khi tham gia giao thông, cũng như lúc đỗ xe đã quan sát kỹ không thấy có biển cấm nên ngày 16-12-2010, ông Đông đã gửi đơn khiếu nại lần 1 đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 284587 lên cơ quan CA quận Cầu Giấy. Nhưng, quá thời hạn theo quy định tại Luật Khiếu nại Tố cáo, khiếu nại chưa được giải quyết, ngày 16-2-2011, ông Đông đã có đơn khởi kiện vụ án hành chính về: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ của CA quận Cầu Giấy thiếu cơ sở pháp lý.

Ngày 29-6, TAND quận Cầu Giấy mở phiên tòa xét xử vụ kiện trên. Theo nhận định của tòa, việc CA quận Cầu Giấy ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đông là đúng. Việc ông Đông yêu cầu CA quận Cầu Giấy phải hủy quyết định vi phạm này, đồng thời trả lại 800 nghìn đồng tiền phạt và tiền bồi thường thiệt hại 3,6 triệu đồng là không có căn cứ. Không đồng tình với phán quyết trên, ông Đông tiếp tục kháng án lên cấp phúc thẩm. Ngày 13-9, TAND TP Hà Nội mở phiên xử phúc thẩm vụ việc trên theo kháng án của nguyên đơn Nguyễn Đức Đông.

Ngã ba - nên hiểu thế nào?

Vấn đề được cho là mấu chốt tại cả 2 phiên tòa là việc xác định rõ điểm giao của đường Phan Văn Trường với đường Xuân Thủy có phải là ngã ba không và có cần thiết phải cắm biển báo ở khu vực này không? Tuy nhiên, qua cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm, những vấn đề này vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Được biết, ngay từ phiên sơ thẩm, để có cơ sở trước khi phán quyết, TAND quận Cầu Giấy đã có văn bản gửi Phòng CSGT- CATP Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội để xác định thế nào là ngã ba và có hay không việc cắm biển nhắc lại tại điểm giao của đường Phan Văn Trường với đường Xuân Thủy. Song, đáng tiếc là các câu trả lời lại rất chung chung. Phòng CSGT Hà Nội cho rằng, theo Quy định số 2053 ngày 27-5-2008 của UBND TP Hà Nội, quy định tuyến đường Xuân Thủy là một trong 56 tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố và lòng đường đã được ngành giao thông tổ chức cắm biển báo "Cấm đỗ xe". Việc có phải bắt buộc đặt biển "Cấm đỗ xe" hoặc "Cấm đỗ xe" nhắc lại tại vị trí tòa nêu hay không, đề nghị tòa tham khảo thêm ý kiến của ngành giao thông. Còn trong công văn phúc đáp, Sở GTVT Hà Nội nêu rõ: Tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy là tuyến đường cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường theo Quyết định 2053 của UBND TP Hà Nội. Người lái xe ngoài việc nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, hiểu biết về các khái niệm đã được giải thích trong luật, quy tắc báo hiệu đường bộ còn phải biết thêm các văn bản quy định của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã công khai nhiều năm như Nghị định 34 của Chính phủ, Quyết định 2053 của UBND TP Hà Nội. Căn cứ các quy định trên, đề nghị Chánh tòa phán xử.

Tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, ông Đông đã viện dẫn Luật Giao thông đường bộ 2008, quy định, trên tuyến đường cấm đỗ xe ngoài 2 đầu đường thì tại ngã ba, ngã tư phải có biển báo nhắc lại, nhưng khi từ đường Phan Văn Trường rẽ ra đường Xuân Thủy, ông quan sát không hề thấy biển cấm nên đã đỗ xe ô tô. Phát biểu quan điểm tại phiên tòa, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, quyết định xử phạt hành chính của CA quận Cầu Giấy với vi phạm của ông Đông là chưa đầy đủ, viện dẫn pháp luật còn thiếu. Tuy nhiên, đại diện VKS lại không chấp nhận kháng cáo.

Còn cấp phúc thẩm lại viện dẫn rằng khu vực Chợ nông sản (đầu đường Xuân Thủy) đã có cắm biển báo, từ đó lên đến khu vực ông Đông đỗ xe không cần phải có biển báo nhắc lại, bởi không có ngã ba, chỉ giao cắt với các ngõ. Còn đoạn giao cắt giữa đường Xuân Thủy với Phan Văn Trường, HĐXX cho rằng, người khởi kiện đã nhầm lẫn khi nhận thức đây là ngã ba(?!). Chính vì vậy, sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, HĐXX đã tuyên bác nội dung kháng nghị bản án sơ thẩm của ông Nguyễn Đức Đông. Theo đó, không chấp nhận yêu cầu hủy bỏ Quyết định xử phạt hành chính của nguyên đơn; không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu CA quận Cầu Giấy bồi thường và công khai xin lỗi.

Sau phán quyết của tòa, Luật sư Phạm Ngọc Minh (Công ty Luật TNHH YouMe - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn Nguyễn Đức Đông, cho rằng: Trong phiên tòa, HĐXX đã bỏ qua những luận cứ xác đáng mà bên khởi kiện đưa ra. Tòa cho rằng người khởi kiện nhận thức nhầm giao cắt đường Phan Văn Trường - Xuân Thủy là ngã ba! Thế nhưng tòa lại cũng không chỉ rõ nhận thức thế nào là đúng về ngã ba.

Ngã ba đường, một khái niệm đơn giản nhưng tại vụ việc này lại dường như rất khó hiểu. Đã gần một năm trôi qua kể từ khi vụ việc diễn ra, đã qua 2 phiên tòa, có ý kiến tham khảo của các cơ quan chức năng nhưng những băn khoăn, thắc mắc của nguyên đơn về việc làm rõ khái niệm ngã ba và có cần hay không việc cắm biển tại điểm giao cắt đó vẫn chưa được làm sáng tỏ. Phải chăng luật pháp đang quá khó hiểu với người dân?

Lương Nguyễn