Không xã hội hóa dịch vụ lưu trữ
Chính trị - Ngày đăng : 02:41, 24/09/2011
Khẳng định tài liệu lưu trữ là tài sản vô giá và sự cần thiết phải có Luật Lưu trữ, các ý kiến đã tập trung góp ý vào các vấn đề lớn của dự thảo đang được quan tâm hiện nay như: phông lưu trữ, giá trị tài liệu lưu trữ, quy chế sử dụng tài liệu lưu trữ lịch sử, nên hay không nên xã hội hóa dịch vụ lưu trữ. Để bảo đảm quản lý thống nhất về lưu trữ, các ý kiến đề nghị nên thống nhất một phông lưu trữ. Đặc biệt quan tâm tới vấn đề sử dụng tài liệu Lưu trữ lịch sử, các đại biểu đề nghị thời gian giải mật nên theo thông lệ quốc tế là 30 năm, quy định 40-60 năm như dự thảo là quá lâu. Đồng thời, yêu cầu quy định thời hạn giải mật đối với tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật phải căn cứ vào tính chất của tài liệu lưu trữ, đối với tài liệu có mức độ quan trọng thấp hơn thì quy định thời hạn giải mật ngắn hơn.
Đối với lưu trữ cấp xã, phường, cần có quy chế cụ thể về lưu giữ tại chỗ để phục vụ hoạt động thường xuyên ở địa phương và nhu cầu của nhân dân. Một số đại biểu đề xuất dự thảo luật nên bổ sung thêm lưu trữ cấp quận, huyện vì hiện nay khu vực này có rất nhiều tài liệu quan trọng, không thể không lưu trữ. Liên quan đến vấn đề xã hội hóa dịch vụ lưu trữ, các ý kiến đều thống nhất đây là lĩnh vực đặc biệt, không nên xã hội hóa. Nếu có nên chăng chỉ cho phép xã hội hóa một số dịch vụ liên quan tới lưu trữ…