Sau 3 ngày thí điểm phân làn: Liệu có giữ được lâu?

Đời sống - Ngày đăng : 14:03, 23/09/2011

Sau 3 ngày tổ chức phân làn phương tiện trên 2 tuyến phố Bà Triệu và Phố Huế-Hàng Bài, tình trạng phương tiện vi phạm vô tư làn đường vẫn diễn ra, khiến cho giao thông trên các tuyến phố này rối như canh hẹ.


Ghi nhận của PV trong 3 ngày đầu triển khai thí điểm phân làn tại 2 tuyến Phố Huế-Hàng Bài và Bà Triệu, vẫn còn không ít xe đi sai làn, dừng đỗ dưới lòng đường. Mặc dù ở một số điểm giao cắt ngã tư của 2 tuyến phố trên có lực lượng TTGT hướng dẫn các phương tiện đi đúng làn đường của mình nhưng vẫn còn không ít lái xe vẫn đi xe vào phần đường dành cho phương tiện khác. Tình trạng này càng phổ biến khi vắng bóng lực lượng làm nhiệm vụ nhất là trong những giờ cao điểm như đầu giờ sáng và chiều tối.

Ngoài việc tuyên truyền, CSGT tập trung tuần lưu xử lý vi phạm dừng đỗ trên 2 tuyến phố được phân làn


Bác Nguyễn Văn Quang nhà ở phố Thanh Nhàn cho biết, nếu như muốn có hiệu quả về việc phân làn thì các cơ quan chức năng cần phải đảm bảo những điều kiện cho người dân biết và thực hiện. Đó là đường sá, vạch sơn, biển chỉ dẫn phải đầy đủ, có khả năng đáp ứng được cho các phương tiện lưu thông ở mỗi làn đường.

Nhiều bất cập đã được chúng tôi ghi nhận như vẫn tồn tại tình trạng các lái xe buýt tạt ngang, cua gấp sang làn đường dành cho xe máy, xe thô sơ để vào bến đón khách. Cả 2 tuyến Phố Huế-Hàng Bài, Bà Triệu đều là những tuyến phố trọng điểm, lưu lượng người tham gia giao thông rất lớn trong đó có khá đông các tuyến xe buýt hoạt động. Bác Trần Minh Quang, ở phố Bà Triệu thẳng thắn: “Bên cạnh số lượng lớn ô tô dừng đỗ dàn hàng ngang chiếm hết lòng đường khi có đèn đỏ hoặc trong giờ cao điểm, chính xe buýt đã và đang “góp phần” xé làn”.

Cả 2 tuyến phố được phân làn hiện nay có đặc điểm giống nhau đó là đều là đường 1 chiều. Điều này sẽ góp phần giúp cho các phương tiện đi trong làn được thuần nhất hơn. Tuy nhiên, cái “dở” đó chính là trên cả 2 tuyến phố này có nhiều đoạn đường hẹp, nhiều ngã ba, ngã tư. Các điểm giao cắt này cách nhau khá gần. Việc có quá nhiều ngã tư, điểm giao cắt đã gây khó khi các dòng phương tiện rẽ trái, rẽ phải... Đơn cử, chỉ cách đầu ngã tư Phố Huế-Đại Cồ Việt vài chục mét là phố Thịnh Yên. Các phương tiện đi từ trong phố Thịnh Yên ra Phố Huế sẽ cắt làn phương tiện đang lưu thông trên Phố Huế. Hoặc các phương tiện đi từ phố Trần Hưng Đạo muốn rẽ phải về Bà Triệu cũng không dám vì lái xe bắt buộc phải vi phạm làn đường của phương tiện khác.

Trước cửa Viện Mắt Trung ương không có vạch sơn phân làn và ô tô thường dàn hàng 3, hàng 4 hoặc vô tư dừng trên đường để đón trả khách, gây ùn tắc cục bộ. Nhiều ngã tư cũng không có biển báo quy định phương tiện đi đúng làn đường như bắt đầu từ ngã tư Nguyễn Du-Bà Triệu đến cuối Bà Triệu có tới 4 ngã tư nhưng không hề được cơ quan chức năng cắm biển báo.

Đừng để “đánh trống bỏ dùi”

Trước khi Sở GTVT tổ chức phân làn vào ngày 20-9 vừa qua, Hà Nội đã từng triển khai phân làn trên các tuyến phố như Trần Khát Chân-Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Kim Mã... Tuy nhiên, cả 3 lần tổ chức phân làn đó đều thất bại. Cũng phải nhìn nhận rằng, trong những ngày đầu triển khai, người dân chấp hành khá nghiêm nhưng thời gian sau, khi lực lượng chức năng rút dần, tình trạng bát nháo lại diễn ra.

Trao đổi với PV tại ngã tư Phố Huế-Đại Cồ Việt vào chiều qua 22-9, Trung sỹ Nguyễn Mạnh Trung, chiến sỹ Đội CSGT số 4 cho biết, việc cắm biển báo phân làn ở đầu Phố Huế khá xa đã giúp tránh xảy ra ùn tắc TNGT bắt nguồn từ dòng phương tiện đi từ Đại Cồ Việt rẽ vào. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, các phương tiện chen lấn hỗn loạn kéo dài tới cả đầu phố Bạch Mai. Còn trên phố Bà Triệu, Trung úy Nguyễn Mạnh Hà, Đội CSGT số 1 cho biết, mấy ngày vừa qua đơn vị tập trung tuần tra lưu động xử lý các vi phạm về dừng đỗ phương tiện trên vỉa hè, dưới lòng đường nhằm tạo không gian để các phương tiện khác đi đúng làn đường quy định.

Muốn lần phân làn này thành công thì nhiệm vụ và công việc của các cơ quan chức năng phải giải quyết trong thời gian tới là không dễ dàng. Điều đó phụ thuộc chính vào các lực lượng làm nhiệm vụ phải quyết tâm, không buông xuôi giữa chừng cũng như ý thức người tham gia giao thông cần được nâng cao hơn nữa.

Được biết, sau 2 tuần triển khai nhắc nhở người dân, cơ quan chức năng sẽ triển khai xử phạt các trường hợp vi phạm. Mức phạt có khung từ 1-1,4 triệu đồng đối với ô tô và 100.000 - 200.000 đồng đối với xe máy.

Theo ANTĐ