Tây Nam bộ tập trung ứng phó lũ lớn

Xã hội - Ngày đăng : 12:45, 23/09/2011

Trước tình hình lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên ở mức cao, có khả năng tiếp tục lên và ở mức cao trong những ngày tới, các tỉnh Tây Nam bộ đang triển khai các phương án ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.


Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khả năng lũ đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu cuối tháng 9/2011 sẽ vượt mức báo động 3, đạt mức lớn nhất trong 8 năm qua.

Người dân huyện Tân Hưng (Long An) cắt lúa chạy lũ - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ TP.HCM


Mở cửa xả lũ, ngăn mặn hợp lý

Tỉnh Kiên Giang đã cho mở hết tất cả các cửa cống ngăn mặn, xả lũ nằm trên hệ thống đê biển Tây nhằm tạo hiệu ứng việc xả lũ qua vùng tứ giác Long Xuyên ra biển Tây nhanh nhất.

Thực tế cho thấy, việc xả lũ ra biển Tây chưa đạt hiệu quả như mong muốn, do có thời điểm nước biển dâng cao gây tác động ngược lại, bởi ảnh hưởng của đợt triều cường. Do đó, lực lượng vận hành hệ thống cống trên đê biển Tây thường xuyên túc trực 24/24 giờ nhằm đóng, mở cửa cống hợp lý.

Tại 3 huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất (vùng tứ giác Long Xuyên), mực nước nội đồng tăng nhanh, trung bình ngày đêm từ 20 - 30cm. Theo thống kê sơ bộ, 3 huyện vùng tứ giác Long Xuyên có đến gần 10.000ha lúa, hoa màu bị lũ gây hại, trong đó có 2.000ha lúa Thu Đông nằm ngoài vùng đê bao đang tình trạng ngập hoàn toàn.

Đứng trước nguy cơ mất trắng, 7.000ha lúa hè thu muộn phải thu hoạch non chạy lũ, khoảng 1.000ha hoa màu cũng phải thu hoạch non.

Ngoài vùng tứ giác Long Xuyên, hiện nước lũ đang lan rộng sang địa bàn huyện Châu Thành, Tân Hiệp và Giồng Riềng. Tuy chưa có dấu hiệu gây hại đến sản xuất, song nông dân đang ngày đêm theo dõi sát diễn biến của lũ, có biện pháp tôn cao bờ vùng đê bao, khơi thông dòng chảy để thoát lũ, không để lũ gây hại đến sản xuất.

Triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em

Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang dự báo, trên địa bàn tỉnh, đỉnh lũ tại Tân Châu, Châu Đốc có thể xấp xỉ mức báo động III (đạt 4,50m). Để đảm bảo an toàn tính mạng trẻ em trong mùa lũ, tỉnh đã triển khai các điểm giữ trẻ ở các huyện trọng điểm đang bị nước lũ đe dọa.

Toàn tỉnh đã tổ chức giữ trẻ cho cha mẹ các cháu đi mưu sinh trong mùa lũ với 18/31 điểm nhận giữ trẻ, bình quân mỗi điểm giữ trẻ có 30 cháu. UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí 500 triệu đồng, trong đó, mỗi trẻ được hỗ trợ tiền ăn 10.000 đồng/ngày. Các cô giáo tình nguyện viên giữ trẻ được hỗ trợ 700.000 đồng/tháng.

Tại huyện vùng đầu nguồn lũ An Phú, các tuyến đường bị ngập nên có 4 điểm trường nằm trong vùng rốn lũ bị chia cắt, phải tổ chức đưa đón học sinh đến trường, với số lượng khoảng 500 em. Các địa phương đầu nguồn và vùng bị ảnh hưởng lũ lụt cũng bố trí các chốt cứu hộ, cứu nạn, bình quân mỗi chốt từ 5 - 10 người, được trang bị áo phao, ghe, xuồng sẵn sàng khi cần thiết.

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang sẽ thông báo mực nước thủy văn hàng ngày cho các địa phương để thông tin kịp thời đến người dân, cũng như có kế hoạch triển khai công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Còn tại Đồng Tháp, theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện đã có 5 điểm trường ở thị xã Hồng Ngự và 1 điểm trường ở huyện Hồng Ngự phải cho học sinh nghỉ học vì bị ngập do lũ. Bốn trường mẫu giáo trong thị xã cũng phải đóng cửa vì tình trạng lớp học bị ngập trong mùa lũ đang dâng.

Long An thu hoạch 170.000ha lúa

Đến nay, các huyện nằm trong vùng lũ là Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, phía Bắc của huyện Thủ Thừa và Đức Huệ (tỉnh Long An) đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu 2011 khi lũ lớn đổ xuống với hơn 170.000 ha.

Riêng huyện đầu nguồn lũ là Tân Hưng có hơn 3.300ha lúa vụ 3 ở các xã Hưng Điền, Hưng Điền A, Vĩnh Châu, Vĩnh Bửu đầu tháng 8 nước lũ đổ xuống đe dọa, huyện vận động nhân dân cùng với Nhà nước đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng đê bao lửng theo từng xã bảo vệ an toàn.

Huyện Tân Thạnh vận động bà con tích cực ngày đêm gia cố hơn 250km đê bao lửng bằng với đỉnh lũ năm 2000, bảo vệ an toàn gần 10.000ha lúa vụ 3 và hiện nay bà con đã thu hoạch dứt điểm tránh thiệt hại. Sau khi thu hoạch, bà con tổ chức ngâm lũ lấy phù sa vào đồng ruộng chuẩn bị vụ Đông Xuân tới.

Trong khi đó, tại Hậu Giang, 220ha lúa thu đông mới gieo sạ của nông dân huyện Long Mỹ bị thiệt hại từ 30% đến 100%, nhiều hộ bị mất trắng phải gieo sạ lại. Khó khăn lớn nhất của bà con hiện nay là nguồn giống khan hiếm vì đã cuối vụ, rất khó mua được giống tốt. Ngoài ra, gieo sạ trễ sẽ tiếp tục gặp mưa nhiều và lũ dâng cao rất dễ bị thiệt hại tiếp, đồng thời chi phí sản xuất tăng cao.

Ngành nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương đang tổng hợp và thống kê lại tổng số hộ, diện tích gieo sạ bị thiệt hại để báo về Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão của tỉnh xin được hỗ trợ kinh phí, đồng thời vận động bà con tiếp tục củng cố hệ thống bờ bao để gieo sạ lại. Đối với những diện tích bị thiệt hại ít thì tiếp tục chăm sóc chu đáo để duy trì năng suất và diện tích lúa.

Theo VGPNEWS