Ai quyết định giá xăng, dầu?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:16, 23/09/2011

(HNM) - Tại hội thảo

Khách hàng mua xăng tại đường Láng. Ảnh: Duy Tuấn


Ông Hoàng Thắng Lợi (Giám đốc doanh nghiệp Vận tải Thành Đạt Express, quận Long Biên): Giá xăng, dầu cần được kiểm soát
Với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, giá xăng, dầu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải. Chẳng hạn, công ty tôi có tổng số 117 đầu xe chạy bằng dầu diesel và 8 xe chạy bằng nhiên liệu xăng A92. Mỗi tháng, chúng tôi tiêu thụ gần 200.000 lít xăng, dầu, trong đó giá dầu chiếm tới 43,5% và giá xăng chiếm tỷ lệ 30,95% tổng doanh thu. Do vậy, việc điều chỉnh giá xăng, dầu có ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp vận tải nói riêng và đời sống người dân nói chung. Nếu doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ, thì liệu các doanh nghiệp vận tải như chúng tôi làm ăn có lãi được hay không? Nên chăng, Chính phủ cần tổ chức đấu thầu việc nhập khẩu, cung cấp xăng, dầu theo mức giá chính phủ đưa ra để bảo đảm việc bình ổn giá đối với mặt hàng này. Với một ngành sản xuất, kinh doanh thiết yếu, có tác động đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội như xăng, dầu, thì việc tăng - giảm giá cần được hạn chế tối đa và tính toán kỹ, tránh gây xáo trộn.

Ông Trịnh Quang Khanh (Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình): Không doanh nghiệp nào muốn Nhà nước bù lỗ
Hiện xăng, dầu vẫn là mặt hàng kinh doanh theo sự điều tiết chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp chưa được tự điều chỉnh theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP: "Doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng, dầu được quyền quyết định giá trong trường hợp các yếu tố cấu thành làm giá cơ sở tăng-giảm trong phạm vi 7% so với giá bán hiện hành…". Là người quản lý trực tiếp trong kinh doanh xăng dầu, tôi khẳng định mặt hàng này vẫn đang tiếp tục lỗ và từ đầu năm đến nay, tổng công ty lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Chúng tôi hoạt động theo cơ chế tổng công ty giao, mỗi lít xăng bán ra lỗ so với định mức từ 150 đến 250 đồng. Làm kinh doanh chắc chắn không ai muốn Nhà nước bù lỗ, vì như vậy chúng tôi không có lợi nhuận để tái đầu tư, phát triển sản xuất; không có nguồn cho quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng; đời sống của người lao động không được cải thiện. Do đó, việc giá xăng, dầu tăng hay giảm theo giá thế giới là hợp lý, đúng quy luật. Thế nhưng, trước việc doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu lỗ ròng nhiều năm liên tiếp, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét kỹ, có sự điều tiết giá phù hợp để giúp doanh nghiệp có chút ít lợi nhuận chăm lo cho đời sống người lao động. Theo tôi, nên để giá xăng dầu trong nước hoạt động theo cơ chế thị trường.

Ông Trần Quang Vinh (số nhà 2, khu tập thể Đoàn 15, tổ 11, phường Định Công, quận Hoàng Mai): Cần hài hòa lợi ích giữa các bên
Khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ "Từ nay đến cuối năm sẽ không tăng giá xăng, dầu", khiến người dân chúng tôi rất vui mừng. Giá xăng dầu mà tăng sẽ kéo theo cơn bão tăng giá của mọi mặt hàng thiết yếu, nhất là trong dịp cuối năm, sức mua tăng mạnh. Việc điều tiết giá xăng, dầu của Nhà nước là cần thiết, nhưng bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, nhất là những người lao động đang phục vụ ngành này. Nếu để tình trạng lỗ nhiều, lỗ triền miên như đại diện doanh nghiệp "phân trần" với báo chí thời gian qua (9 tháng đầu năm 2011 lỗ đến 2.000 tỷ đồng), Quỹ bình ổn giá của Nhà nước khó mà chịu được. Theo tôi, chúng ta cần phải hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng, đặc biệt đối với mặt hàng nhạy cảm như xăng, dầu.

Ông Nguyễn Văn Tâm (phố Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm): Không thể cứ thấy doanh nghiệp kêu lỗ lại tăng giá
Tôi rất tán thành và cảm động trước phát biểu đầy tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Chúng ta điều hành giá xăng, dầu vì hơn 80 triệu người dân, chứ không vì lợi ích của một bộ phận hay một doanh nghiệp nào. Lâu nay, xăng, dầu được xem là loại hàng hóa đặc biệt, được Nhà nước ưu tiên điều hành theo cơ chế thị trường. Song, trên thực tế, giá xăng, dầu trên thế giới tăng - giảm liên tục suốt thời gian qua, thì giá xăng, dầu trong nước hầu như chỉ tăng mà không có giảm, hoặc biên độ tăng rất lớn, còn biên độ giảm lại không đáng kể. Hầu như năm nào các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng, dầu cũng kêu lỗ và phải bù lỗ, nhưng chưa một cơ quan nào thẩm định chính xác các doanh nghiệp này thua lỗ do nguyên nhân nào và từ đâu? Nếu như vì lý do khách quan gây ra, chắc chắn Nhà nước và người dân sẽ đồng tình, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nhưng điều khiến dư luận phẫn nộ ở đây chính là sự thiếu minh bạch trong điều hành giá cả xăng, dầu.

Cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ… phải kiểm tra, giám sát, làm rõ được thực chất vấn đề này. Trường hợp doanh nghiệp thua lỗ do chủ quan, năng lực quản lý kém thì cần phải xử lý theo quy định của pháp luật và thay thế bằng doanh nghiệp khác có năng lực quản lý tốt hơn. Ngược lại, nếu doanh nghiệp thực sự thua lỗ do những nguyên nhân khách quan, thì cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời để họ sớm ổn định sản xuất, kinh doanh. Nếu cơ quan quản lý không có cơ chế kiểm soát, minh bạch giá xăng dầu, hễ thấy doanh nghiệp kêu lỗ lập tức tăng giá, e rằng vừa khổ dân, vừa tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế để làm lợi cho riêng mình.

Nga Thủy