Khi khoa học xa rời đồng ruộng
Công nghệ - Ngày đăng : 07:03, 23/09/2011
Ứng dụng được hơn một nửa
Theo Vụ KHCN và môi trường (Bộ NN&PTNT), 5 năm qua đã có 4.386 đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm các cấp được triển khai, tạo ra 273 giống cây trồng; lai tạo và chọn lọc thành công 29 dòng, giống vật nuôi mới… Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện của các đề tài, dự án KHCN trong nông nghiệp thời gian qua vẫn còn thấp. Nhiều đề tài sau khi nghiệm thu không được triển khai vào đời sống do chất lượng kém và không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Trong khi đó, khâu sản xuất thử nghiệm nhằm hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu chưa được chú trọng. Một thực tế đáng lo ngại hơn là việc nghiên cứu hầu như chỉ tập trung vào một số sản phẩm chủ lực, chưa quan tâm đến sản phẩm công nghệ ứng dụng cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Không ít những chương trình, đề tài nghiên cứu xong rồi để đấy vì không xuất phát từ những khó khăn của đồng ruộng.
Công nghệ chế biến thủy sản của nước ta vẫn bị đánh giá là lạc hậu. Ảnh: Huy Hùng
Ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ KHCN và môi trường cho biết, hiện các đề tài nghiên cứu áp dụng vào sản xuất chỉ chiếm khoảng 60-70%, tùy từng lĩnh vực. Tỷ lệ áp dụng trong lĩnh vực tạo giống, máy móc mới cao hơn. Các đề tài nghiên cứu về chính sách, có khi áp dụng từng phần, mức độ áp dụng cũng khác nhau. Khả năng ứng dụng thấp vì chất lượng kém và không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đặt hàng đề tài vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, trình độ KHCN ở nhiều lĩnh vực như cây ăn quả, hoa, rau, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản… của nước ta còn thấp kém. Đáng buồn nhất là KHCN ngành chăn nuôi rất trì trệ cả về chất lượng con giống lẫn công nghệ chế biến thức ăn. Ngay cả thủy sản, mặc dù là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về cá tra, song công nghệ sản xuất, chế biến của nước ta vẫn còn lạc hậu.
Động lực nào cho nghiên cứu?
KHCN ngày càng đóng vai trò quyết định, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong điều kiện đất đai và nguồn lao động đang có xu hướng giảm dần. Đã đến lúc phải chuyển từ một nền nông nghiệp tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, trong đó động lực của chính sách, hiệu quả KHCN và các biện pháp quản lý phải trở thành nguồn lực chính tạo nên tăng trưởng.
Trong buổi làm việc mới đây với Bộ NN&PTNT về công tác KHCN, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Muốn nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KHCN, phát triển những cơ sở sản xuất mẫu và những mô hình trình diễn… để người dân thấy hiệu quả. Đồng thời, bằng lợi ích kinh tế khuyến khích người nông dân và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Theo các nhà khoa học, để tạo đà cho hoạt động nghiên cứu phát triển, trước tiên cần đổi mới cơ chế quản lý, đơn giản hóa thủ tục quản lý tài chính, hướng vào khoán đến sản phẩm KHCN cuối cùng. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đặc biệt về vật chất và tinh thần để người nghiên cứu và chuyển giao được hưởng lợi từ chính kết quả làm việc của mình; khuyến khích đầu tư trong nước và quốc tế vào hoạt động KHCN nông nghiệp. Ngoài ra, có thể tiến tới áp dụng chính sách bắt buộc các cơ quan KHCN trong nước thực hiện các tiêu chuẩn về phương pháp nghiên cứu và quản lý, về đội ngũ cán bộ khoa học, trang thiết bị cũng như công nghệ của các đơn vị KHCN trong khu vực, sau đó nâng lên mức quốc tế.
Một hướng đi khác nhằm nâng tầm chất lượng nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp là từng bước tiến tới xã hội hóa công tác này. PGS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đề xuất, có thể thu tiền bản quyền từ phần trăm giá trị xuất khẩu để lấy nguồn vốn hỗ trợ nghiên cứu KHCN. Chẳng hạn, mỗi năm xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản chủ lực của nước ta đạt 20 tỷ USD, nếu trích 1% cho bản quyền tác giả thì sẽ có 200 triệu USD hỗ trợ cho công tác này, tạo động lực và niềm tin cho các nhà khoa học say mê nghiên cứu phục vụ sản xuất. Rõ ràng, nếu hoạt động KHCN được "chủ nhân hóa, thị trường hóa, tư nhân hóa, quốc tế hóa" thì sẽ huy động được nguồn lực to lớn của xã hội và quốc tế, đưa sản xuất nông nghiệp lên một tầm cao mới.
Trong giai đoạn 2011-2015, ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển theo chiều sâu, bền vững, với nhiều sản phẩm có giá trị tăng cao; phấn đấu giá trị tăng thêm do KHCN mang lại đạt 40% vào năm 2015 và 50% đến 60% vào năm 2020. Để đạt mục tiêu đó, nếu bỏ rơi vai trò của KHCN thì khó có thể đạt được mà thậm chí sẽ phải trả giá rất đắt. Bài học từ những cuộc khủng hoảng lương thực tại một số quốc gia những năm gần đây đã chứng minh cho nhận định trên.