Thử thách lịch sử

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:37, 23/09/2011

(HNM) - Theo đúng kế hoạch được công bố, hôm nay (23-9), Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ chính thức gửi văn bản đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) công nhận Nhà nước Palestine - thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới.

Những chiến dịch ngoại giao con thoi của cả bên ủng hộ lẫn phản đối một nền độc lập từ Trung Đông đã mang tới Kỳ họp lần thứ 66 của LHQ bầu không khí nóng bỏng đặc biệt. Những diễn biến trái ngược những ngày qua là chỉ báo về mối lo âu đang dần hiện rõ rằng quyết tâm của người Palestine về một Nhà nước độc lập sẽ mở đầu một cuộc chiến ngoại giao hiếm có tại LHQ.

Nỗ lực giành quy chế thành viên chính thức từ tổ chức 193 thành viên như thể hiện nỗi thất vọng của Palestine trước những bế tắc của đàm phán hòa bình đã nhận được sự đồng tình của nhiều quốc gia trên thế giới. Phải khẳng định rằng, đây là nguyện vọng chính đáng của người dân Palestine trong niềm mong mỏi khôn nguôi về một quốc gia độc lập và bình đẳng với các nước trong mái nhà thế giới. Thế nhưng, lợi ích của các mối quan hệ tại khu vực quan trọng, nhạy cảm và nóng bỏng bậc nhất trên bản đồ chính trị toàn cầu - Trung Đông - đang khiến ước mơ bình dị và chính đáng được ấp ủ bấy lâu của người Palestine không dễ thành hiện thực.

Để sánh vai với các nước, Palestine phải nhận được 9 phiếu ủng hộ trong tổng số 15 thành viên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) và không bị các thành viên Thường trực phủ quyết. Tuy nhiên, sự phản đối rõ ràng của Mỹ với tuyên bố của Tổng thống Barack Obama rằng Palestine không thể đi đường tắt để chấm dứt xung đột kéo dài 6 thập kỷ qua và hòa bình lâu dài chỉ có được bằng thương lượng trực tiếp cho thấy để có được lá phiếu của thành viên chủ chốt Mỹ là không thể. Trong lịch sử 65 năm của LHQ, Washington từng phủ quyết trên 60 đạo luật của HĐBA để ủng hộ Israel. Và những lời kêu gọi phải sát cánh với đồng minh gần gũi này từ các chính trị gia xứ Cờ hoa là cơ sở vững chắc để tin rằng chính quyền của Tổng thống B.Obama sẽ không thể không sử dụng quyền lực một lần nữa để bảo vệ Tel Aviv. Lo ngại của Chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu không chỉ là Palestine sẽ có quyền bỏ phiếu nếu được công nhận là một thành viên đầy đủ của LHQ. Mấu chốt nằm ở chỗ, nếu điều đó diễn ra, theo luật pháp quốc tế và các công ước Geneva thì Israel mặc nhiên trở thành kẻ chiếm đóng và về nguyên tắc người Palestine được quyền tự vệ bằng mọi biện pháp có thể. Và khi Palestine trở thành thành viên 194 của LHQ, Tel Aviv bất cứ lúc nào cũng có thể là đối tượng của các cuộc tấn công từ lực lượng quốc tế nếu Palestine yêu cầu LHQ thực thi quy định của Hiến chương LHQ chừng nào nhận thấy bị đe dọa từ người láng giềng Do Thái.

Vì thế, cuộc sinh tồn mà cả Palestine và Israel đeo đuổi đang bao trùm thế giới một cuộc khủng hoảng ngoại giao khó lường ngay khi giờ G sắp điểm. Trong số những "nhân vật" quyết định, chỉ có Nga với tư cách là một bên trong nhóm Bộ tứ mở lòng với người Palestine. Đối tác cực kỳ quan trọng nữa là Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang làm mọi cách để có được một giải pháp hài hòa trong bối cảnh khó có thể đi ngược lại lập trường của đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương.

Dù có Qatar giữ chức Chủ tịch và Iran đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ đang là một lợi thế cho Palestine, song với tương quan lực lượng như hiện nay, sẽ không là thái quá khi cho rằng, cánh cửa gia nhập câu lạc bộ toàn cầu của chính quyền Tổng thống M.Abbas vẫn chưa hoàn toàn mở ra. Đã có những ý kiến về kịch bản nhiều khả năng nhất là Palestine được công nhận là một Nhà nước quan sát viên thay vì thành viên chính thức, cao hơn vị thế quan sát viên thường trực hiện nay trong trường hợp Palestine đưa bản đệ trình ra Đại hội đồng, nơi người Palestine đang giành được sự ủng hộ rộng rãi.

Nhưng nếu vậy, LHQ sẽ khó có câu trả lời thỏa đáng trước thế giới Arab rằng cơ quan này đã không thể đón nhận Palestine trong khi chỉ mất 2 giờ để thực hiện điều tương tự với Nam Sudan cách đây không lâu. Đương nhiên, hai sự kiện này có nhiều điểm không giống nhau, nhưng rõ ràng, cơ hội của Palestine đang đặt LHQ trước một thử thách lịch sử khi hậu quả từ mong ước chưa thành của chính quyền Tổng thống M.Abbas rất có thể sẽ là sự bùng nổ làn sóng bạo lực mới tại Trung Đông.

Mỗi bế tắc ngoại giao là một lần Trung Đông chìm trong âu lo xung đột không còn lạ lẫm với thế giới. Không có gì bảo đảm rằng, súng đạn lại không tiếp tục là công cụ phổ biến trong thời gian tới. Song, những mạng sống bị cướp đi trong suốt 6 thập kỷ giao tranh ở Trung Đông khẳng định thực tế rằng vũ lực không thể mang đến ổn định. Tránh một cuộc đối đầu trên tất cả các mặt trận qua đối thoại và ngoại giao đang là mục tiêu mà thế giới theo đuổi trong những giờ tới cho sự chung sống của cả Palestine lẫn Israel trong một nền hòa bình vĩnh viễn.

Vân Khanh