Nhà mạng nhỏ khuyến mãi “gây sốc”
Xe++ - Ngày đăng : 07:21, 22/09/2011
Khách hàng tìm hiểu thông tin về các chương trình khuyến mãi của mạng Beeline.
Đầu tiên phải kể đến Vietnamobile - nhà mạng đứng đầu trong nhóm mạng nhỏ vừa đưa ra bộ kit hòa mạng dành cho khách hàng khu vực miền Bắc với giá trị tài khoản nhân đôi, ưu đãi tặng 100% giá trị thẻ nạp tiếp theo và đặc biệt có cước gọi nội, ngoại mạng chỉ 680 đồng/phút… Chỉ vài ngày sau, mạng Beeline thông báo ra gói cước "Tỷ phú" với mức khuyến mãi "khủng" hơn. Cụ thể, khách hàng có thể nhận được khuyến mãi 1 tỷ đồng, nhưng với điều kiện phải nạp thẻ tối thiểu 20.000 đồng và gọi nội mạng miễn phí trong 30 ngày đầu tiên, sau đó phải nạp thêm tiền tiếp nếu muốn sử dụng ưu đãi... Đến đây, có thể đặt câu hỏi vì sao, hai nhà mạng nhỏ lại chọn thời điểm này để "tung" khuyến mãi?
Về vấn đề này, lãnh đạo nhà mạng Vietnamobile đã không ít lần bày tỏ sự bức xúc trước việc các doanh nghiệp (DN) lớn liên tiếp đưa ra siêu khuyến mãi khiến các mạng nhỏ dù không muốn cũng phải "chạy" theo. Theo vị lãnh đạo này, không nhất thiết phải có các chương trình khuyến mãi kiểu như thế, vì gây thiệt hại cho chính DN mà cả 3 "đại gia" là Viettel, Mobifone, Vinaphone đều là DN nhà nước. Ông kêu gọi các DN dừng cuộc đua khuyến mãi nếu không muốn cùng nhau "chết" khi mà thị trường bão hòa… Tương tự, lãnh đạo Beeline Việt Nam cũng cho rằng, thị trường di động đang xuất hiện một số gói cước có hại và đây là điều không có lợi cho phát triển thị trường viễn thông… Nhưng, chỉ một thời gian sau, chính các nhà mạng nhỏ này lại đưa ra các gói cước có khuyến mãi "gây sốc". Vậy, đâu là lý do để họ "không giữ lời"? Vào giai đoạn thị trường bão hòa, cả Viettel, Mobifone, Vinaphone không tập trung vào phát triển thuê bao mới mà chủ yếu dành cho đầu tư chiều sâu, các dịch vụ nội dung… thì đây là cơ hội cho các mạng nhỏ. Thị trường trong nước tuy đạt tới hơn trăm triệu thuê bao, nhưng thực tế chỉ là số lượng sim kích hoạt, đó là lý do để các mạng nhỏ vẫn tìm thấy tiềm năng để phát triển. Nhưng, làm cách nào để thành công? Tuy nói mạng lớn giờ không chú trọng cho phát triển thuê bao mới, nhưng có thể khẳng định hầu hết người dân đã, đang dùng di động và trong số này những khách hàng có thu nhập cao, thu nhập trung bình chủ yếu là thuê bao của 3 nhà mạng lớn. Các mạng lớn có lợi thế về vốn, hạ tầng mạnh, cộng với hệ thống chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, nên việc các mạng nhỏ "hút" nốt số thuê bao từ mạng lớn lại là điều không đơn giản. Theo đánh giá của giới chuyên gia, khi các mạng nhỏ đưa ra những chương trình siêu khuyến mãi, không ít khách hàng sẽ tận dụng ưu thế này để mua thêm sim sử dụng, hết khuyến mãi, họ lại bỏ mạng… Như vậy, chưa thể nói được gì nhiều về hiệu quả của hai chương trình "gây sốc" kể trên của Vietnamobile và Beeline. Dù sao điều này cũng khẳng định bản lĩnh của họ là vẫn còn đủ sức mạnh để tham gia cuộc đua được đánh giá là rất khốc liệt.
Theo các chuyên gia, thị trường viễn thông ở ngưỡng bão hòa khiến mạng nhỏ buộc phải sáp nhập với nhà mạng lớn… Nhưng, ngoại trừ thương vụ mua bán bị đổ bể giữa EVN Telecom với FPT, thị trường trong nước vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc nhà mạng nhỏ buộc phải sáp nhập. Thậm chí, khi được hỏi liệu Orange France Telecom có quan tâm đến việc mua cổ phần của một trong 4 nhà mạng nhỏ tại Việt Nam hay không, đại diện lãnh đạo mới nhậm chức tại Việt Nam đã trả lời đại ý rằng, Orange France Telecom là thương hiệu lớn toàn cầu, luôn ở vị trí hàng đầu tại những quốc gia mà họ đầu tư, vì vậy sẽ là kỳ lạ nếu chuyển hướng mua lại các mạng nhỏ… Họ cũng không giấu ý định sẽ đợi để được tham gia mua cổ phần của Mobifone.
Từ những thông tin trên có thể thấy, dù gặp khó khăn không nhỏ về vốn, phải hoạt động cầm chừng trong thời gian dài không được DN lớn đầu tư, hợp tác… nhưng các mạng nhỏ vẫn "sống" được.
Đến thời điểm này, vẫn chưa thấy các mạng lớn đáp lời trước cuộc đua khuyến mãi của hai mạng nhỏ.