San sẻ rủi ro

Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 22/09/2011

(HNM) - Việt Nam hiện có khoảng 70% dân số sống ở nông thôn, lấy sản xuất nông nghiệp (SXNN) làm nguồn sống chính. Hằng năm, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra ở nước ta lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.


Quyết định 315/QĐ-TTg của Chính phủ về triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo, giúp họ giảm thiểu thiệt hại. Để chính sách đến được với người nông dân, cần có một hành lang pháp lý để vừa hỗ trợ kịp thời cho họ vừa kiểm soát hiệu quả nguồn vốn ngân sách. Đây là nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị triển khai thí điểm BHNN do Bộ Tài chính tổ chức ngày 21-9 tại Hà Nội.

Rủi ro lớn, phí bảo hiểm cao



Lực lượng SXNN ở nước ta đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Riêng năm 2010, giá trị SXNN chiếm 20,6% GDP. Tuy nhiên, SXNN của nước ta hằng năm phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Năm 2010, có 30.000ha lúa và hoa màu bị mất trắng, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai khoảng 11.700 tỷ đồng.

Với thực tế này, lẽ ra nghiệp vụ BHNN sẽ rất phát triển. Song, do nhiều lý do khách quan, loại hình BH này vẫn chiếm một vị trí rất "khiêm tốn" trên thị trường BH. Thống kê của Hiệp hội BH Việt Nam cho thấy, BHNN chỉ đóng góp khoảng hơn 10% phí BH trong tổng doanh thu phí trên thị trường mỗi năm.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội BH cho biết, việc triển khai BHNN hiện gặp nhiều khó khăn, do loại hình BH này phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên và đòi hỏi hạ tầng nông nghiệp tốt mới có thể giảm bớt rủi ro. SXNN ở nước ta còn manh mún, không có quy chuẩn, một gia đình thường chỉ có vài sào ruộng, vài con lợn. DN sẽ khó triển khai BHNN vì rủi ro quá lớn, dẫn đến phí BH sẽ cao tương ứng, nông dân khó có thể "gánh" được…

Chính phủ đã ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011), triển khai thí điểm BHNN tại một số địa phương. Đối tượng được BH là cây lúa, trâu, bò, gia cầm và thủy sản. Đặc biệt, Chính phủ quyết định hỗ trợ 100% phí BHNN cho hộ nông dân, cá nhân nghèo tham gia SXNN. Sự hỗ trợ đó sẽ giúp các hộ nông dân mạnh dạn tham gia loại hình BH này.
Quản lý chặt nguồn vốn hỗ trợ

Tại buổi hội thảo, về việc triển khai thí điểm BHNN, nhiều ý kiến cho rằng, nên cập nhật kịp thời những loại dịch bệnh mới trong lĩnh vực SXNN vào quy chế bồi thường. Ngoài ra, mỗi địa phương đều có đặc thù về thiệt hại trong trồng trọt, chăn nuôi. Thông tư hướng dẫn chỉ quy định thiệt hại do bão, song trên thực tế, cây lúa có thể bị thiệt hại do mưa, lũ, dông hay úng ngập. Tại đợt rét hại năm 2010, trâu bò chết thường rơi vào hộ nghèo, nuôi nhỏ lẻ do không có chuồng trại và thiếu kinh nghiệm. Hộ có quy mô lớn, cơ sở vật chất bảo đảm thì khó thiệt hại. Nếu không tính toán kỹ, sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ không đến được người nghèo.

Ông Phùng Đắc Lộc cũng nêu ý kiến về những khó khăn của DN khi đánh giá mức thiệt hại của nông dân. Theo ông Phùng Đắc Lộc hoạt động SXNN ở nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún, giá đầu ra của nông sản bấp bênh, nên khó xác định mức thiệt hại khi có thiên tai, dịch bệnh, khiến quá trình bồi thường gặp khó khăn. Để khắc phục, cần có một bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, hướng dẫn cụ thể thì BHNN mới thu được hiệu quả cao…

Mặc dù việc triển khai BHNN vấp phải không ít khó khăn, vướng mắc, các quy định, hướng dẫn còn nhiều điều cần sửa đổi, bổ sung, song mô hình này đã thu được thành công bước đầu. Nông trường Bò sữa Mộc Châu (Sơn La), từ nhiều năm nay đi đầu về mô hình tự tổ chức BHNN và trở thành một điển hình thành công. Từ năm 2010, các hộ dân đã đóng phí BH 500.000 đến 600.000 đồng/con bò sữa. Khi bò bị chết, hộ dân được hỗ trợ 15 lần phí BH (khoảng 7,5 đến 9 triệu đồng/con). Với khoản tiền bồi thường này, các hộ không may sẽ có cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất ngay sau khi rủi ro xảy ra…

Sau khi nghe ý kiến của đại biểu DN, địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các địa phương để triển khai thí điểm BHNN một cách hiệu quả. Để giám sát nguồn hỗ trợ của Nhà nước, Bộ Tài chính sẽ xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, bảo đảm vốn hỗ trợ đến tay hộ nghèo. Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, BHNN là một nghiệp vụ mới được triển khai nên sẽ vừa thực hiện, vừa lắng nghe ý kiến của bà con để rút kinh nghiệm, từ đó sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, giúp người nông dân tham gia SXNN giảm thiểu thiệt hại.

Theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Chính phủ, Nhà nước hỗ trợ 100% phí BH cho hộ nông dân, cá nhân nghèo tham gia SXNN; hỗ trợ 80% phí BH cho hộ cận nghèo. Các hộ nông dân không thuộc diện trên được hỗ trợ 60% phí BH. Các tổ chức SXNN được hỗ trợ 20% phí BH. Đối tượng và khu vực BH gồm: cây lúa tại các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp. Trâu, bò, lợn, gia cầm tại: Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương. Nuôi trồng thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại: Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.

Hương Ly