Phải có biện pháp ràng buộc

Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 22/09/2011

(HNM) - Tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc như thế nào? Đó là bài toán mà các cơ quan chức năng đang tìm lời giải khi các thông tin liên quan đến việc sẽ dừng vô thời hạn kỳ kiểm tra tiếng Hàn, thậm chí có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn là dừng tuyển lao động Việt Nam theo chương trình cấp phép làm việc cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) đang diễn ra gần đây.

Vấn đề "nóng": Cư trú bất hợp pháp

Thời gian qua, tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp ngày càng gia tăng trở thành vấn đề bức xúc đối với Hàn Quốc. Lao động Việt Nam (LĐVN) bị Hàn Quốc xếp vào danh sách dẫn đầu so với LĐ các nước khác về yêu cầu đòi chuyển đổi chỗ làm việc với lý do không chính đáng (chiếm tỷ lệ 32%). Một bộ phận NLĐ chưa có ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động của nước sở tại, kỹ năng giao tiếp tiếng Hàn còn nhiều hạn chế, tác động xấu đến ổn định xã hội và góp phần làm phát sinh tội phạm liên quan đến người nước ngoài. Chính phủ Hàn Quốc lo ngại số lượng này tiếp tục gia tăng khi lượng lao động kết thúc hợp đồng trong năm nay rất lớn.

Lao động Việt Nam học về an toàn lao động tại Hàn Quốc.

Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi thông tin trực tiếp về thị trường lao động Hàn Quốc với các gia đình, chính quyền địa phương 3 tỉnh có nhiều LĐ đi làm việc tại Hàn Quốc là Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Theo một số LĐ từng đi làm tại Hàn Quốc, việc họ bỏ trốn bất hợp pháp là do so bì về tiền lương giữa người làm theo hợp đồng và người bỏ ra làm thuê bên ngoài. Mức lương làm trong công ty theo hợp đồng thường dao động từ 750-900 USD/tháng, còn người làm bên ngoài được 1.500 USD/tháng, nên nhiều người đã bị bạn bè lôi kéo. Một lý do khác được đưa ra là nhiều chủ doanh nghiệp Hàn Quốc muốn giữ lại LĐ làm được việc nên khi hết hạn hợp đồng, họ đã bao che để giữ LĐ ở lại làm việc bất hợp pháp. Một lý do nữa là chủ sử dụng LĐ có thái độ ứng xử thiếu tôn trọng NLĐ. Bên cạnh đó, do sức ép chi phí thực tế để đi làm việc tại Hàn Quốc lớn do phải thông qua "cò" môi giới nên NLĐ mới bỏ trốn ra ngoài để tìm cách tích cóp tiền gửi về cho gia đình.

Siết chặt quản lý lao động

Mới đây, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã cân nhắc đến biện pháp hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, phía Hàn Quốc có thể áp dụng biện pháp dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang Hàn Quốc. Làm thế nào để tiếp tục phát triển thị trường XKLĐ Hàn Quốc, đó là điều mà các cơ quan ban, ngành, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH đang nỗ lực thực hiện.

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đã sử dụng biện pháp có tính nhân văn là kêu gọi các gia đình có người thân đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc thuyết phục con, em về nước. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế, điều quan trọng hiện nay là Việt Nam phải đề ra được biện pháp, cơ chế ràng buộc cho những người sắp đi tiếp theo. Trong đề án ngăn ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng của NLĐ làm việc tại Hàn Quốc của Việt Nam cũng đưa ra các biện pháp như: hạn chế tuyển chọn NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc từ các xã, phường có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao; thu tiền đặt cọc hoặc bảo lãnh để chống bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp. Đồng thời thực hiện tốt chương trình hỗ trợ NLĐ về nước qua các kênh kết nối việc làm, đặc biệt kết nối với các công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam; tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho NLĐ sau khi về nước.

Một số LĐ đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn và đang đợi được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn cho biết, họ sẵn sàng hợp tác với chính quyền xã để ký bản cam kết về nước đúng thời hạn nếu được đi làm việc tại nước này. Đây sẽ là những ràng buộc pháp lý nhằm ngăn chặn tốt nhất tình trạng nêu trên. Cùng với đó là những quy định mới nhằm siết chặt quản lý LĐ của Chính phủ Hàn Quốc như LĐ bỏ trốn ra ngoài sẽ không thể tìm được việc làm có thu nhập hấp dẫn như trước mà ngược lại họ rất dễ gặp rủi ro, thu nhập không bảo đảm và việc làm không ổn định, làm mất đi cơ hội sang làm việc tại thị trường hấp dẫn này của nhiều LĐ khác.

Kim Vũ