Thị trường lao động năm 2011: Mất cân đối cung - cầu

Đời sống - Ngày đăng : 07:12, 22/09/2011

(HNM) - Con số khảo sát mới nhất do Trung tâm quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường lao động cho thấy, nhiều ngành nghề sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng khó khăn trong tuyển dụng nhân lực do cung - cầu nhân lực vẫn đang trong tình trạng mất cân đối…

Cuộc khảo sát được triển khai ở 32 nghề cho thấy năm 2011 có 10 nghề khó tuyển dụng nhân lực nhất. Đó là các nghề: thuộc da và đóng giày; phục vụ cá nhân (chăm sóc trẻ em, trợ giúp cá nhân ở các trung tâm y tế…); thợ may, dệt; nghệ thuật, giải trí, thể thao (trang trí nội thất, phát thanh viên…); thợ vận hành máy sản xuất ra các sản phẩm dệt may, da và lông vũ; nhà văn, phóng viên, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn; thanh tra an toàn và chất lượng; vận hành nhà máy sản xuất kính, đồ sứ và các thiết bị liên quan; giảng viên cao đẳng và cao hơn; đồ thủ công mỹ nghệ từ gỗ, dệt, vật liệu làm bằng sợi, da và các vật liệu liên quan khác. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, trong vòng một năm số tuyển dụng mới chiếm 45% lực lượng LĐ. Vì khó khăn trong tuyển dụng nên ngành này đứng đầu về chính sách làm thêm giờ. Muốn có LĐ có kỹ năng, các DN thuộc ngành công nghiệp chế biến không còn cách nào khác là phải tăng thu nhập tới 163% đối với các kỹ thuật viên.

Người lao động tìm việc tại hội chợ việc làm thành phố năm 2011. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo nhận định của Trung tâm quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường lao động thì vị trí quản lý được coi là gặp nhiều khó khăn nhất trong tuyển dụng LĐ, chiếm tỷ trọng cao nhất (44%) trong số các DN được điều tra. TS Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm cho biết, hai nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong tuyển dụng vị trí quản lý là do khó tuyển được LĐ có kỹ năng nghề nghiệp có chất lượng và các trở ngại về tiền lương, tiền công. Ngoài ra, một số ngành khác khó tuyển dụng LĐ như các cơ quan, tổ chức tư vấn về quản lý, tư vấn công nghệ, y tế và các dịch vụ xã hội khác.

Thừa vị trí làm việc do không tuyển được lao động cũng đồng nghĩa với việc mở thêm nhiều cơ hội việc làm cho người LĐ. Tuy nhiên, trên thực tế, để tiếp cận với những cơ hội đó không dễ dàng khi chưa có giải pháp tối ưu để giải quyết tình trạng sự mất cân đối về cung - cầu cho thị trường LĐ. Tổng hợp của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) từ báo cáo của 41/63 địa phương về nhu cầu tuyển dụng LĐ năm 2011 của 54.418 DN cho thấy, số LĐ cần tuyển là 1.002.448 người, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, TP như Đồng Nai (327.414 LĐ), TP Hồ Chí Minh (119.961 LĐ), Hải Dương (95.153 LĐ), Bình Dương (68.125 LĐ)… và tập trung vào một số ngành như cơ khí, điện, điện tử, gia công các mặt hàng giày da, may mặc… Tuy nhiên, khả năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các địa phương rất khác nhau và có sự chênh lệch lớn. Trong khi ở Thanh Hóa có tới 90% LĐ đáp ứng được nhu cầu, Hà Nội (78,8%), Bắc Ninh (50%)… thì còn nhiều địa phương như Hà Nam chỉ có 11% đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, Vĩnh Phúc 12%, Kiên Giang 14%, Bình Dương 20%, Đà Nẵng, Quảng Ninh 30%…

Ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Long An, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai - nơi cung LĐ không đáp ứng được nhu cầu (kể cả LĐ không có kỹ năng), tạo ra nguy cơ thiếu nguồn LĐ lâu dài. Một số tỉnh lại dư cung LĐ nên đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao như Bạc Liêu, Ninh Thuận, An Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định…

Để giải quyết các mâu thuẫn trên, Bộ LĐ-TB&XH đã đề cập đến nhiều giải pháp. Đáng chú ý là việc phát triển hệ thống thông tin thị trường LĐ để điều phối cung - cầu; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm, đa dạng hóa các hoạt động sàn giao dịch việc làm để tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho mọi người. Những giải pháp trên dù có tính khả thi nhưng cũng không thể được "hiện thực hóa" trong ngày một ngày hai mà đó vẫn là hướng lâu dài ở tương lai. Những điều kiện cần này nếu không được đi cùng một điều kiện đủ là sự quyết tâm và rốt ráo trong thực thi, thì thị trường LĐ khó thoát được cảnh căng thẳng cả ở nguồn cung lẫn cầu.

Đinh Nguyễn