Suốt đời yêu thương Hà Nội
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:09, 22/09/2011
Căn nhà ông đang ở trên phố Khâm Thiên là ngôi nhà đầu tiên và duy nhất kể từ khi ông bắt đầu sinh sống tại Hà Nội đến nay. Nhiều người trả giá cao nhưng ông không bán, bởi đã gắn bó và không muốn rời xa con phố đã đi liền với lịch sử của Hà Nội một thời. Tình yêu Hà Nội của ông trải dài trên mỗi con đường, góc phố và những trò chơi dân gian của Hà Nội. Thời còn công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, ông đã đi không thiếu một phường, một xã nào ở Hà Nội. Đi đến đâu ông cũng tìm hiểu, ghi chép tư liệu về vùng đất đó. Từ sự tích lũy ấy cùng với tấm lòng chân thành, đã thôi thúc ông viết gần 50 cuốn sách về Hà Nội, trong đó có 30 cuốn in riêng, 20 cuốn in chung. Ông từng tham gia chủ biên một tập trong bộ sách Bách khoa thư Hà Nội (gồm 18 tập, do NXB Thời đại ấn hành) - khi đó Hà Nội chưa mở rộng. Hiện UBND TP Hà Nội đang khởi động làm tiếp 13 tập cho đầy đủ địa bàn mở rộng, nhà nghiên cứu Giang Quân lại được mời tham gia viết hai tập, có nội dung về di tích, bảo tàng và phong tục lễ hội.
Cho đến bây giờ, niềm khắc khoải nhất của ông là muốn xây dựng và duy trì được nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Riêng về chủ đề này, ông đã viết tới 3 đầu sách. Tiếp thu tinh thần, nền nếp gia phong của người Hà Nội nên ông yêu Hà Nội từ những điều nhỏ nhất. Thừa nhận giờ đây Hà Nội đã trở nên lộn xộn, mất dần sự hào hoa, thanh lịch, nhưng theo ông, chỉ nhìn vào cái xấu là không nên, phải nhìn vào cái tốt. Chính vì thế, dù cho rằng, những cuốn sách của mình "chỉ như hòn đá ném xuống ao bèo" nhưng ông vẫn làm, vẫn đau đáu niềm tin: Dần dần, những nét đẹp, nét tinh hoa của người Hà Nội sẽ được khôi phục và lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội. Đó cũng là lý do để 18 năm qua, ông đều đặn tham gia biên tập cho 18 cuốn sách "Người tốt, việc tốt" của TP. Năm nay là năm đầu tiên Hà Nội triển khai giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh" cho học sinh, nhà nghiên cứu Giang Quân được mời tham gia Hội đồng thẩm định. Ông cho rằng, đưa bộ tài liệu vào giảng dạy là hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong việc khơi dậy lòng tự hào về truyền thống nghìn năm văn hiến, giúp các em có kỹ năng sống, có ý thức duy trì, gìn giữ những giá trị phi vật thể cho tương lai.