Đường lây liên cầu khuẩn lợn không chỉ từ lợn

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:33, 21/09/2011

Từ đầu năm 2011 đến nay đã có gần 40 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang, Ninh Bình… vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị, trong đó nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Vi khuẩn Streptococcus suis gây bệnh liên cầu lợn.


Ổ vi khuẩn liên cầu lợn ở đâu?

Liên cầu lợn có khắp nơi trong tự nhiên, ổ chứa vi khuẩn liên cầu lợn là lợn nhà (lợn đã thuần chủng). Người ta cũng đã thấy cả lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim mang vi khuẩn liên cầu lợn. Những loài động vật này mang mầm bệnh nhưng chúng không gây bệnh, nếu có chỉ gây bệnh nhẹ, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ gây bệnh nguy hiểm. Ở một số lợn bình thường có thể mang vi khuẩn liên cầu lợn. Nơi cư trú của vi khuẩn này là đường hô hấp (nhất là hô hấp trên), đường tiêu hoá, đường sinh dục hoặc các hạch hạnh nhân của lợn. Hoặc lợn đã bị bệnh này, sau khi được điều trị bằng kháng sinh, bệnh khỏi nhưng còn một số liên cầu tồn tại khi gặp điều kiện thuận lợi thì chúng sẽ gây bệnh, đặc biệt là lợn trưởng thành.

Người ta nghiên cứu thấy có khoảng 60 - 100% lợn mang vi khuẩn liên cầu lợn không triệu chứng. Đây là nguồn chứa vi khuẩn liên cầu lợn nguy hiểm nhất đứng về mặt dịch tễ học. Ngoài ra người ta cũng thấy trong phân, chất thải, chất độn chuồng, các loại thức ăn, trong chuồng lợn mắc bệnh tai xanh cũng trở thành nguồn chứa vi khuẩn liên cầu lợn. Môi giới truyền bệnh liên cầu lợn là ruồi, gián, chuột. Đường lây truyền của bệnh qua người khi con người tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh tai xanh thông qua các vết trầy xước trên da của người, đặc biệt là những công nhân lò mổ, người phân phối, chế biến thịt lợn bị bệnh tai xanh. Con người rất dễ mắc bệnh do ăn phải thức ăn có chứa vi khuẩn liên cầu lợn như ăn thịt lợn mắc bệnh tai xanh nấu chưa chín hoặc ăn tiết canh, nem chạo, nem chua được chế biến từ thịt lợn mắc bệnh liên cầu lợn. Bên cạnh đó còn có thể do môi trường không đảm bảo vệ sinh, nhất là bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn như nguồn nước dùng trong sinh hoạt dùng để rửa thực phẩm, rau quả.

Biểu hiện trên da của người bệnh nhiễm liên cầu lợn.


Biểu hiện của bệnh liên cầu lợn ở người

Khi mắc bệnh do liên cầu lợn người bệnh thường có sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hoá…Trong bệnh liên cầu lợn thể bệnh nặng nhất là nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn liên cầu lợn vào máu, nhân lên nhanh chóng và đồng thời tiết ra nhiều độc tố). Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng như vừa nêu trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố nặng (sốc nhiễm khuẩn) biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, có khi bị truỵ tim mạch, suy hô hấp và có thể bị tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Người ta cũng thấy một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hoá như rối loạn tiêu hoá (đi ngoài nhiều lần, phân lỏng). Người bệnh cũng có thể bị viêm màng não do vi khuẩn liên cầu lợn như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng… Nếu phát hiện sớm có thể cứu chữa được, nếu không có thể gây phù não, đi vào hôn mê sâu, phát ban hoại tử nhiều trên da, sốc, suy hô hấp, tụt huyết áp và tử vong.

Việc chẩn đoán bệnh liên cầu lợn ngoài các biểu hiện lâm sàng, dịch tễ học (điạ phương đang có dịch lợn tai xanh) thì cận lâm sàng cũng đóng góp một cách đáng kể như nhuộm gram từ nước não tuỷ, nuôi cấy tìm vi khuẩn liên cầu lợn trong máu. Chẩn đoán xác định vi khuẩn liên cầu lợn bằng kỹ thuật sinh học phân tử (PCR) hoặc phản ứng ELISA.

Phòng bệnh liên cầu lợn lây sang người thế nào?


Bệnh liên cầu lợn là bệnh lây từ động vật sang người và có thể từ môi trường bên ngoài do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis) rồi xâm nhập các thực phẩm khác làm lây bệnh cho những người có hành vi ăn uống chưa an toàn.

Để phòng bệnh liên cầu lợn thì cần phát hiện lợn bị bệnh tai xanh và không để lây sang cho người. Đối với người chăn nuôi lợn cần cách ly và chữa trị lợn ốm... Không được giết mổ lợn khi trong địa phương đang có dịch lợn tai xanh và không vận chuyển lợn hoặc thịt lợn từ địa phương này sang địa phương khác. Tuyệt đối không mua bán lợn, thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Không ăn thịt lợn đã chết hoặc đang ốm với bất kỳ lý do gì. Khi lợn chết phải chôn ngay, chôn thật sâu, chôn xa nguồn nước, xa khu dân cư, chợ, những nơi tập trung đông người, cần phải có chất sát khuẩn mạnh kèm theo như vôi bột, cloramin B... Đối với người tiêu dùng, tuyệt đối không ăn thịt lợn ốm, thịt lợn chết. Tuyệt đối không ăn thịt chưa nấu chín hoặc thịt sống, không ăn tiết canh, nem chạo, nem chua, món tái... Những người có vết thương ở da khi tiếp xúc với thịt lợn cần đi găng. Cần dùng riêng dao, thớt, dụng cụ chế biến thịt lợn sống và thịt lợn đã nấu chín. Khi nghi ngờ mắc bệnh do liên cầu lợn cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám và chữa trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Theo Báo SK&ĐS