Sức cầu cổ phiếu vẫn yếu
Tài chính - Ngày đăng : 11:59, 21/09/2011
Dù cho thị trường đón nhận thông tin khá tích cực là CPI tại Hà Nội tháng 9 chỉ tăng ở mức 0,2% so với tháng trước (CPI tháng 8 tại Hà Nội tăng 1,06%). Chiếm 1/5 quyền số trong rổ tính CPI của cả nước, song việc CPI của Hà Nội có mức tăng khá thấp đang mang đến nhiều kỳ vọng về việc lạm phát của cả nước trong tháng này sẽ có diễn biến tích cực hơn dự đoán. Tuy nhiên, thông tin này dường như không có tác động đến thị trường.
Giống như phiên trước, ở đợt khớp lệnh đầu tiên, chỉ số chung mất điểm ở mức 2,38 điểm, tương đương 0,52%, còn 451,99 điểm bởi lệnh bán ra tiếp tục được nhà đầu tư ưu tiên. Khối lượng giao dịch ở mức thấp với trên 1 triệu chứng khoán được chuyển nhượng, giá trị đạt gần 15 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, tình hình không được thay đổi, thậm chí còn theo chiều hướng xấu hơn khi mà nhà đầu tư đưa vào hệ thống nhiều lệnh bán ra đối với các cổ phiếu lớn khiến nhiều trụ cột bị “gãy”. Cuối đợt này, chỉ số chung mất tới 7,43 điểm, tương đương 1,64%, tuột khỏi ngưỡng hỗ trợ 450 điểm, còn 446,94 điểm. Về cuối phiên, đà giảm của thị trường chững lại, Vn-Index đánh dấu phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp khi mất 6,8 điểm (-1,5%), còn 447,57 điểm.
Vn-Index và HNX-Index diễn biến trái chiều. Ảnh minh họa |
Diễn biến của thị trường cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn được duy trì trong vòng một tháng vừa qua nhiều khả năng đã kết thúc và thị trường có thể sẽ tiếp tục một xu hướng sụt giảm từ từ, rồi lình xình trong trung hạn.
Với sức cầu yếu và sức cung mạnh hơn, cổ phiếu giảm giá tiếp tục chiếm ưu thế. Toàn thị trường có 81 mã lên giá, 134 mã xuống giá, 86 mã giữ giá tham xuống.
Tác động đến sự đi xuống của thị trường không thể không kể đến hai trụ cột là BHV và MSN. 2 mã này đều giảm hết biên độ cho phép, lần lượt là 3.500 đồng, xuống 71.000 đồng/cổ phiếu và 7.000 đồng, còn 140.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài 2 mã trên, còn cần kể đến DPM, HAG, HPG, ITA, OGC, PPC, PVF, REE, VIC, VPL giảm 100-2.000 đồng/cổ phiếu. Ở phía bên kia, EIB, GMD, KBC, SAM, STB và VNM tăng 100-2.000 đồng mỗi cổ phiếu. Một số mã lớn khác là CTG, DHG, SJS, VCB đứng giá.
Nhà đầu tư vẫn lưỡng lự mua vào cổ phiếu, còn bên bán có phần quyết tâm hơn với nhiều lệnh được đặt bán ở dưới giá tham chiếu. Vì vậy, khối lượng giao dịch tiếp tục ở mức thấp với gần 44 triệu chứng khoán được giao dịch thành công, giá trị đạt 818,904 tỷ đồng.
Trái ngược với sàn Tp.HCM, tại sàn Hà Nội, HNX-Index đảo chiều tăng nhẹ 0,22 điểm (+0,3%), lên 74,6 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 43,075 triệu chứng khoán, tương ứng giá trị chuyển nhượng 475 tỷ đồng.
Tại sàn dành cho cổ phiếu chưa niêm yết, trừ 0,08 điểm (-0,26%), UPCoM-Index còn 31,2 điểm. Giao dịch tiếp tục èo uột với chỉ 100.900 cổ phiếu được sang tay, giá trị giao dịch đạt 556,690 triệu đồng.