“Những cây cầu ở quận Madison” - từ tiểu thuyết lên màn ảnh

Giải trí - Ngày đăng : 10:38, 21/09/2011

(HNMO)- Vào 14h thứ bảy ngày 24/9/2011, tại Trung tâm TPD (22A Hai Bà Trưng, Hà Nội), khán giả của chương trình Không gian điện ảnh sẽ có cơ hội thưởng thức lại tác phẩm điện ảnh nổi tiếng: Những cây cầu ở quận Madison.


(HNMO)- Vào 14h thứ bảy ngày 24/9/2011, tại Trung tâm TPD (22A Hai Bà Trưng, Hà Nội), khán giả của chương trình Không gian điện ảnh sẽ có cơ hội thưởng thức lại tác phẩm điện ảnh nổi tiếng: Những cây cầu ở quận Madison và tham gia buổi tọa đàm từ cuốn tiểu thuyết cùng tên đến tác phẩm điện ảnh.

Tiểu thuyết “Những cây cầu ở quận Madison” là cuốn sách có một dung lượng không quá lớn để người đọc có thể lĩnh hội trong khoảng thời gian ngắn, một cách kể chuyện tiết chế để sự việc diễn ra thật rõ ràng khách quan, một ngôn ngữ giản dị khơi gợi để xúc cảm nhẹ nhàng lan tỏa, và đặc biệt, điều đặc sắc nhất, khiến chúng ta ngạc nhiên, say mê, là tình yêu đẹp như ngọn lửa bùng cháy một lần mãnh liệt để vĩnh cửu nhớ thương, trân trọng, để đời sống là đáng sống trong cả kí ức lẫn giấc mơ… Tất cả tạo nên phúng dụ đa nghĩa về những cuộc hành trình để hiểu mình, hiểu lẽ phải đời sống, tâm hồn mà Robert và Francesca, hai nhân vật chính của tiểu thuyết, đã trải qua tận cùng. Tiểu thuyết Những cây cầu ở quận Madison (The Bridges of Madison County, 1992) của Robert James Waller khiến người ta mơ mộng cuộc hành trình như thế…



Sau khi được chuyển thể thành phim, “Những cây cầu ở quận Madison” đã nhanh chóng có mặt trong danh sách 100 phim tình cảm hay nhất thế kỉ do Viện phim Mỹ bình chọn. Bộ phim “Những cây cầu ở quận Madison” (1995) của đạo diễn Clint Eastwood xứng đáng được nhắc đến như một ví dụ tiêu biểu về khả năng đọc thấu tác phẩm văn học để tạo nên những tác phẩm điện ảnh xuất sắc. Chất trữ tình lãng mạn không quá phô trương mà rất tinh tế trong từng khung cảnh, màu sắc, âm nhạc, trong từng diễn biến tâm lí nhân vật là điểm nổi bật ở cách xử lí của Clint Eastwood. Vào vai Robert, chính Clint Eastwood và Meryl Streep (vai Francesca), mà diễn xuất tự nhiên, chân thực của cả hai là lí do để bộ phim khẳng định, một cách thuyết phục, tình yêu là không tuổi tác và vì thế, vẻ đẹp của tình yêu cũng không tùy vào trẻ hay già.

Sau khi được thưởng thức tác phẩm điện ảnh này, khán giả yêu điện ảnh sẽ có cơ hội giao lưu, trao đổi với hai khách mời là dịch giả Thanh Vân và nhà nghiên cứu Hoàng Cẩm Giang về vấn đề chuyển thể từ tiểu thuyết trở thành tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như thế nào.

T.Minh