Không chỉ báo động đỏ về hiệu quả đầu tư

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:56, 21/09/2011

(HNM) - Kể từ thời điểm ngày 15-4-2010, khi Thủ tướng có Quyết định 24 về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, thay vì điều chỉnh mỗi năm một lần, giá điện sẽ có thể biến động tối thiểu trong vòng 3 tháng.

Tính đến nay, thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm cũng đã khởi động được gần 3 tháng và ngày càng trở nên sôi động, trong đó có mối quan tâm của người dân đến diễn biến giá điện. Điều mà mọi người quan tâm hơn nữa là giá điện hội tụ cả những hệ lụy do cách điều hành của lãnh đạo EVN.


Tình trạng báo động đỏ đang xảy ra ở nhiều lĩnh vực của EVN.     Ảnh: Ngọc Hà

Nợ cứ... nợ, lỗ cứ... lỗ

Để thực hiện Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 31 quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản. Theo đó, giá điện sẽ được tính toán kiểm tra hằng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào cơ bản gồm tỷ giá, giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện phát của các tháng đã qua... Và như vậy, về nguyên tắc việc tăng giá điện sẽ ít nhiều giải quyết được những khó khăn trong tài chính của EVN. Tuy nhiên, thực tế lại khác.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khoản lỗ của EVN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong hai năm 2010 và 2011 là: năm 2010, lỗ khoảng gần 23.500 tỷ đồng, trong đó lỗ từ chi phí mua điện giá cao do tình hình hạn hán các hồ thủy điện là 8.000 tỷ đồng; năm 2011 (tính từ đầu năm đến nay) lỗ sản xuất, kinh doanh khoảng 13.200 tỷ đồng và khả năng khoản lỗ sẽ không ngừng ở đó do phải mua điện phát bằng nhiên liệu dầu khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) ngừng, giảm cung cấp khí theo kế hoạch trong tháng 9 và 10 và yêu cầu tích nước chuẩn bị phát điện cho mùa khô năm 2012. Như vậy, tổng khoản lỗ trong năm 2010 và 2011 của EVN dự kiến khoảng gần 40.400 tỷ đồng.

Trong khi đó, hiện nay EVN vẫn chưa giải quyết các khoản công nợ của PVN và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Khoản vay hơn 10.000 tỷ đồng cho chi phí phát điện bằng dầu máy năm 2011 đến nay vẫn chưa giải ngân. Đối với khoản nợ phát sinh từ tháng 2-2011, chỉ tính riêng lãi chậm trả đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và EVN vẫn chưa có thỏa thuận chính thức về mức giá mua bán điện áp dụng cho năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 nên doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh điện của Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh được tạm tính trên cơ sở đơn giá bằng 90% đơn giá mua điện năm 2009 là năm EVN không bị lỗ sản xuất, kinh doanh điện. Năm 2010, EVN đã cung cấp 97,25 tỷ kWh, điện thương phẩm đạt 85,6 tỷ kWh, giá bán điện bình quân là hơn 1.060 đồng/kWh cao hơn 2,93 đồng/kWh so với phê duyệt Đề án giá điện năm 2009 của Bộ Công thương, tổng doanh thu bán điện đạt 90.877 tỷ đồng tăng 21,5%. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, sản xuất, kinh doanh điện của EVN thuận lợi hơn so với năm 2010, do từ tháng 3 áp dụng giá điện mới tăng 15,38%. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi so với dự kiến đầu năm, đó là thủy văn các hồ thủy điện diễn biến khả quan hơn so với dự kiến đầu năm, tổng lượng nước về các hồ thủy điện trong 6 tháng đầu năm 2011 cao hơn dự kiến khoảng 12,86 tỷ mét khối; các nguồn điện mới vào vận hành đúng tiến độ đã bổ sung đáng kể nguồn cung cấp điện, đặc biệt là các tổ máy thủy điện là nguồn cung cấp điện giá rẻ, như tổ máy 1 và 2 Thủy điện Sơn La, tổ máy 2 Thủy điện Đồng Nai, Thủy điện An Khê - Kanak…

Kể ra những việc trên đây để thấy rằng, ngoài những chậm trễ, ách tắc trong xây dựng nguồn điện, thời gian qua EVN cũng có nhiều thuận lợi. Về tiền mặt, EVN đã thu đủ số tiền của khách hàng sử dụng điện với giá hiện hành. Như vậy, về nguyên tắc, EVN chỉ được phép treo nợ phần chênh lệch do bị lỗ trong sản lượng điện đã mua của PVN và Vinacomin. Tiền mặt có nhưng tại sao EVN lại treo nợ lớn như vậy? Và tiền mặt đó đi đâu? Chỉ có EVN mới trả lời được câu hỏi này.

Điều đáng lưu tâm là, trong khi EVN kêu lỗ trầm trọng mà thu nhập của người đứng đầu EVN lại lên tới trên 1,7 tỷ đồng/năm, trong đó thu nhập từ EVN khoảng 900 triệu đồng và từ các doanh nghiệp khác trả thù lao khoảng 800 triệu đồng.

Chúng ta cần biết rằng, tại Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 5-8-2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu quy định: Người đại diện là thành viên kiêm nhiệm không tham gia chuyên trách trong ban quản lý, điều hành doanh nghiệp khác thì tiền lương, phụ cấp trách nhiệm (nếu có), tiền thưởng và các quyền lợi khác theo quy định do chủ sở hữu vốn chi trả; ngoài ra, còn được hưởng tiền phụ cấp người đại diện do chủ sở hữu chi trả theo quy định; trường hợp người đại diện được các doanh nghiệp khác trả thù lao thì người đại diện có trách nhiệm nộp các khoản thù lao trên cho chủ sở hữu...

Như vậy, ở đây đang diễn ra tình trạng: doanh nghiệp nợ cứ... nợ, lỗ cứ... lỗ, còn lãnh đạo doanh nghiệp vẫn hưởng lương cao ngất.

Điều được lớn nhất nếu vận hành được thị trường điện cạnh tranh là sự minh bạch về cơ chế, tạo được niềm tin của các nhà đầu tư vào ngành điện, để các nhà đầu tư thấy được luật chơi rõ ràng, công khai. Đồng thời, điều này cũng giúp minh bạch hóa được giá bán điện. Với cơ chế thị trường công khai minh bạch thì xã hội sẽ chấp nhận được sự thay đổi giá điện. Tuy nhiên, chỉ mới đưa ra một con số về nợ, về lỗ đã cho thấy những khó hiểu trong quản lý điều hành của EVN. Và như vậy khó có thể nói là có sự minh bạch về giá điện mà EVN đang đề nghị tăng.

Báo động đỏ về hiệu quả đầu tư

Cùng lúc với giá điện tăng, hiện nay việc cắt điện luân phiên đã bắt đầu ở các tỉnh, thành. Thực tế cho thấy, thiếu điện không chỉ do hạn hán mà còn do các dự án nguồn bị chậm tiến độ. Hiệu quả đầu tư nguồn điện đang ở tình trạng báo động đỏ.

Câu chuyện thiếu điện loanh quanh được dẫn giải tới vấn đề giá điện Việt Nam... "quá thấp" và "cần phải tăng giá". Nhưng nhìn lại 5 năm qua, đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng được bỏ ra để làm điện, nhưng rồi, tình trạng hoặc chậm chạp, kéo dài tiến độ hoặc hoạt động hỏng hóc, do cơ chế quản lý điều hành không đáp ứng yêu cầu bảo đảm nguồn cung điện lại ít được nhắc đến như một vấn đề nóng cần kiểm điểm nghiêm túc.

Theo Bộ Công thương, mặc dù mức tăng trưởng nhu cầu điện giai đoạn 2006-2010 thấp hơn dự báo, nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu điện do Quy hoạch điện VI (Quy hoạch điện giai đoạn năm 2006-2010) vừa qua chỉ thực hiện được khoảng 50% phần lưới điện và 70% phần nguồn điện khối lượng quy hoạch.

Theo đánh giá mới nhất về tình hình thực hiện Quy hoạch điện VI cho thấy, trên 40 nhà máy điện, gồm cả thủy điện và nhiệt điện đưa vào vận hành giai đoạn 2010-2012 thì có tới 28 nhà máy thuộc diện bị chậm tiến độ 1-2 năm. Phải kể đến là nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Hải Phòng 1 do EVN làm chủ đầu tư. Cả hai nhà máy này đều chậm hơn 27 tháng.

Cũng theo thống kê này, có tới 8 nhà máy tổng công suất 3.410MW, đáng lẽ phải phát điện năm 2010-2011 thì đã phải khất hẹn tiếp sang năm 2012 và năm 2013 như các nhà máy điện Quảng Ninh 2 (2x300MW), Hải Phòng 2 (2x300MW), Thủy điện Khe Bố 50MW, Thủy điện A Lưới (2x85MW), nhiệt điện Mạo Khê (2x220MW), nhiệt điện Vũng Áng (2x600MW).

Một nhà máy 300MW có sản lượng điện khoảng 1,8 tỷ kWh/năm. Như vậy, có thể hiểu rằng, khi một nhà máy 300MW chậm một năm thì năm đó hệ thống điện quốc gia đã bị mất cơ hội được cung ứng tới 1,8 tỷ kWh. Với việc lui lại 8 nhà máy điện có tổng công suất 3.410MW từ năm nay sang năm 2012 và năm 2013, nghĩa là nguồn cung ứng điện cho cả nước năm nay đã bị mất một sản lượng khoảng 20,46 tỷ kWh so với kế hoạch. Nếu so với nhu cầu khoảng 115 tỷ kWh năm 2011, con số thất hẹn trên đã chiếm khoảng gần 20%. Năm 2010, nếu 10 nhà máy công suất 1.705MW không bị chậm trễ thì hệ thống điện quốc gia đã có trên 10 tỷ kWh được cung ứng. Và nếu vậy, dù cho hạn hán, thiếu nước thì không đến mức cả nước bị cắt giảm tới 1,4 tỷ kWh như vậy.

Qua đó có thể thấy rằng: Đang có báo động đỏ về hiệu quả đầu tư trong ngành điện. Và không chỉ báo động đỏ về một lĩnh vực, thực tế tình trạng báo động đỏ đang xảy ra ở một số lĩnh vực khác của EVN, mà chung quy đều từ cách quản lý điều hành.

Nhóm PV Điều tra