Cần bắt đầu từ...
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:59, 21/09/2011
Nhìn tổng thể là rất chặt chẽ. Và nếu đúng như vậy thì người tiêu dùng có thể phần nào yên tâm, ít nhất là với những đồ ăn, thức uống tối thiểu hằng ngày không thể không sử dụng.
Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 19-9 của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Bộ NN&PTNT) thì chất cấm vẫn được sử dụng... vô tội vạ trong thực phẩm. Dẫn chứng cụ thể là chất Ethephon (hóa chất gốc phốt pho) thường chỉ được sử dụng một lượng nhỏ nhằm kích thích quả chín nhanh, chín đều, nay bị lạm dụng để bảo quản thịt. Cần biết rằng, Ethephon hoàn toàn bị cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm có nguồn gốc động vật. Chưa hết, cũng theo báo cáo trên, kết quả giám sát còn phát hiện ra việc lạm dụng hóc môn kích thích tăng trưởng gốc B-Agonist như Sallbutamol, Clenbuterol... Đây đều là những chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Câu hỏi đặt ra là tại sao người ta vẫn "vô tư" lạm dụng chất thúc chín (Ethephon), chất tăng trọng (gốc B-Agonist)? Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực, không lẽ vừa ban hành đã xuất hiện tình trạng... nhờn luật?
Bộ NN&PTNT nhận định, mấu chốt của việc khó khăn trong quản lý hóa chất là ở khâu đại lý phân phối, sản xuất gia công và người chăn nuôi. Còn theo Cục Bảo vệ thực vật thì lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu tiểu ngạch hiện nay rất lớn và khó kiểm soát. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát lại cho rằng, các quy chế, tiêu chuẩn về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đều đã được ban hành, hiện đã gần như hoàn tất, các nhóm thực phẩm cũng được phân cấp quản lý theo chức năng bộ, ngành, song vấn đề quản lý sử dụng các hóa chất độc hại trong sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm vẫn chưa tìm được điểm xung yếu để giải quyết.
Tóm lại là nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng giải quyết từ đâu, bằng cách nào xem chừng còn rất mù mờ. Đó là sự nguy hiểm khi hằng ngày người dân không thể nhịn ăn, nhịn uống. Từ khuyến cáo của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ai cũng muốn mình trở thành người tiêu dùng thông minh, thông thái; song khi cơ quan quản lý chưa biết sử dụng biện pháp gì hiệu quả thì người tiêu dùng cũng chưa thể biết cách gì tự bảo vệ mình. Thật đáng suy nghĩ khi những thông tin trên đưa ra khiến người tiêu dùng nóng như lửa đốt còn các bộ, ngành vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu (điểm xung yếu - như lời Bộ trưởng Cao Đức Phát).
Như vậy, phần nào có thể thấy, Luật An toàn thực phẩm chưa thực sự phát huy hiệu lực trong cuộc sống, có nghĩa là chưa ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm, không bảo đảm sự an toàn chung cho cộng đồng, đồng thời cũng chưa phân định rõ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý.
Mỗi một bộ luật ban hành đều nhằm điều chỉnh các hành vi, mối quan hệ trong xã hội, loại trừ những hành vi nguy hiểm, gây mất an toàn cho xã hội và phải có tính dự báo để ngăn ngừa những phát sinh xấu có thể xảy ra trong tương lai. Với thực trạng về việc sử dụng các hóa chất cấm đang tồn tại trong đời sống mà Luật An toàn thực phẩm còn chưa giải quyết ổn thỏa thì xem ra rất đáng lo và cần nhanh chóng điều chỉnh. Câu hỏi cần bắt đầu từ đâu, tới đây xem ra đã có câu trả lời. Cũng giống như người tiêu dùng, những nhà làm luật cũng cần phải thông minh và thông thái cân nhắc, tính toán mọi bề. Có như vậy, mỗi bộ luật khi ban hành mới phát huy được hiệu quả tối đa trong cuộc sống.