Dự thảo Luật Quảng cáo: Chưa theo kịp thực tiễn
Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 21/09/2011
Chưa rõ từ khái niệm
Dự thảo LQC gồm 5 chương, 42 điều, quy định các vấn đề như: Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi tham gia QC, QC trên báo chí, QC có liên quan đến yếu tố người nước ngoài. Dự thảo LQC nếu được Quốc hội thông qua sẽ thay thế Pháp lệnh QC năm 2001 và sẽ là công cụ siết chặt việc quản lý thông tin về sản phẩm QC, chuyên nghiệp hóa các đơn vị làm công tác này. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng ngay từ khái niệm - nhiều đại biểu tham gia hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo LQC do Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức gần đây khẳng định.
Dự thảo Luật Quảng cáo cần được lấy thêm ý kiến dư luận để phù hợp với thực tiễn. Ảnh: Thái Sơn |
Chẳng hạn, điều 3 dự thảo luật viết: QC là việc giới thiệu đến công chúng về cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ (có mục đích sinh lời và không có mục đích sinh lời). Theo TS Vũ Thị Thanh Tâm, Trưởng ban Kiểm tra Đài Truyền hình Việt Nam thì bản chất, mục đích của QC nằm ở phương diện marketing, do đó phải tách bạch QC thương mại và QC phi thương mại. Các chương trình tuyên truyền, cổ động của các cơ quan truyền thông vì mục đích chung của cộng đồng không thể xem xét như QC thương mại. Nếu định nghĩa như dự thảo luật thì rất nhiều nội dung tuyên truyền cũng có thể bị quy chụp là QC.
Hay như 13 hành vi cấm QC ở điều 10 đều mập mờ, vô lý. Ông Lê Quang Chừng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ACS Việt Nam nhận xét: "Dự thảo "cấm hình thức tổ chức đoàn người để QC" là không thực tế bởi hoạt động này khá phổ biến. Hơn thế, việc cấm sử dụng hình ảnh cá nhân khi chưa được các cá nhân đó đồng ý như khoản 11 (điều 10) để QC sẽ chỉ thực hiện được khi hình ảnh được sắp xếp bằng hợp đồng hoặc thỏa thuận với các người mẫu, còn hình chụp mang tính chất cộng đồng thì không thể biết để trả tiền".
Điểm bất hợp lý nữa nằm ở điều 33 và 34 quy định biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động trong sản xuất, kinh doanh phải đặt sát cổng hoặc trước mặt trụ sở hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhiều người cho rằng đây chính là sự nhập nhằng giữa biển hiệu và biển QC cần được phân định rõ.
Con số cảm tính, khó định lượng
Không chỉ mập mờ về mặt khái niệm, những quy định về QC trên các phương tiện truyền thông cũng "rối" không kém.
Từ điều 20 đến 22 quy định, QC trên báo in không được chiếm quá 15%, con số này trên tạp chí là 20%, trên báo nói và báo hình là 7% và trên mỗi khuôn hình của báo, trang tin điện tử là 15%. Về quy định này, ông Xuân Minh, Giám đốc dự án Công ty QC trực tuyến 24h cho rằng: Thắt chặt QC có thể hạn chế sự phát triển của lĩnh vực truyền thông. Cùng quan điểm trên, TS Vũ Thị Thanh Tâm, Trưởng ban Kiểm tra Đài Truyền hình Việt Nam bộc bạch: QC hiện đang là nguồn tài chính chủ yếu của đài (chiếm tới 90% tổng thu). Nhờ nguồn thu đó, người xem không phải "nuôi" hoạt động truyền hình mà vẫn được thưởng thức nhiều chương trình có chất lượng. Chưa kể, mỗi năm, VTV còn đóng khoảng 400 tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước.
Quy định về diện tích QC đối với báo, trang tin điện tử bị coi là máy móc bởi báo điện tử không có chuyên trang QC như báo giấy. Nhiều doanh nghiệp còn tỏ ra bất bình khi dự thảo LQC đưa ra quy định diện tích logo trong biển hiệu không được vượt quá 20% diện tích biển hiệu (khoản 2, điều 34). Theo quy định này thì logo cũng chính là thương hiệu của công ty như Sony, Samsung, Panasonic… thì sẽ phải xử lý thế nào?
Theo thống kê từ TNS Media Việt Nam, chi phí QC trên đài phát thanh truyền hình và báo chí trong năm 2010 đạt gần 14.000 tỷ đồng. Con số này cho thấy, tầm quan trọng của QC không chỉ với doanh nghiệp sản xuất mà còn là nguồn thu đáng kể cho các cơ quan truyền thông và ngân sách. Như vậy, khống chế QC trên báo chí bằng những con số như trên có thực sự phù hợp và cần thiết?
Cũng theo dự thảo LQC, doanh nghiệp - một trong những đối tượng có nhu cầu QC nhiều nhất và thuộc đối tượng điều chỉnh của luật lại không có quyền khiếu nại. Luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật nhận định: "Thông thường, các văn bản pháp lý phải có quy định về quyền khiếu nại. Với hoạt động vốn đa dạng, phức tạp và phát triển khá nhanh như QC mà không có nội dung này thì doanh nghiệp biết căn cứ vào đâu đòi công lý khi không được bảo đảm quyền lợi hoặc bị xâm phạm lợi ích". Trong thực tế, ngoài Pháp lệnh QC, nhiều địa phương còn có quy định riêng và chính những quy định riêng này nảy sinh những "giấy phép con", gây khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp. Một vài "hạt sạn" trong dự thảo LQC cho thấy vì sao dự thảo LQC cần tiếp tục phải được lấy ý kiến dư luận để hoàn thiện.