Làm được nếu kiên quyết

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:47, 20/09/2011

(HNM) - Hôm nay 20-9, TP Hà Nội tiếp tục thí điểm phân luồng giao thông trên một số tuyến phố chính đang được dư luận chú ý. Có dư luận cho rằng cần xem lại sự cần thiết của chủ trương này.


Việc phân luồng các loại phương tiện giao thông (ô tô, xe máy, xe thô sơ và người đi bộ không chung luồng) là ý tưởng đúc rút kinh nghiệm từ nhiều nước. Với tình trạng giao thông hỗn hợp như hiện nay, việc ách tắc, ùn ứ là khó tránh khỏi vì mỗi loại phương tiện có đặc điểm, tốc độ riêng, khi chung luồng, chúng sẽ gây cản trở lẫn nhau. Giao thông hỗn hợp cũng gây khó khăn cho việc quản lý. Như hiện nay, tốc độ của mọi loại phương tiện trong nội thị vào giờ cao điểm là như nhau, ô tô cũng như xe đạp. Do vậy, các tín hiệu giao thông cũng phải lấy đó làm chuẩn, chậm chạp, ách tắc vì thế càng diễn ra nhiều hơn. Tuy đó là điều nhiều người biết nhưng việc phân luồng lâu nay vẫn chưa thực hiện được do lòng đường hẹp, nhiều phố không có vỉa hè, trình độ văn minh và ý thức của người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế, người điều hành giao thông thiếu kiên quyết và nhất là niềm tin vào giải pháp phân luồng chưa cao.

Nhưng đã đến lúc không thể vì những trở ngại đó mà để kéo dài tình trạng lộn xộn như hiện nay. Việc tuy khó nhưng có thể làm được, nếu kiên quyết. Cùng với các biện pháp từng bước hạn chế xe máy, kiên quyết cấm lưu hành các loại xe ba bánh tự chế, chống chuyên chở cồng kềnh gây nguy hiểm, chống dừng, đỗ sai quy định, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông… đã đến lúc phải phân luồng giao thông, ít nhất là ở những tuyến phố có điều kiện, để từng bước đưa giao thông vào trật tự. Để làm được việc đó, xin kiến nghị mấy việc:
- Phải tiến hành từng bước, làm ở những tuyến phố rộng rãi, có vỉa hè, mật độ đi lại vừa phải trước để tránh những trở ngại có thể xảy ra, bảo đảm làm đến đâu chắc đến đó, không ồ ạt, "đầu voi đuôi chuột".
- Tiến hành đồng bộ việc tăng cường, đổi mới chất lượng đường, điểm dừng, điểm đỗ, giải phóng vỉa hè cho người đi bộ, cọc tiêu, biển báo, đèn đường, vạch sơn trên đường… với việc phân luồng.
- Lực lượng quản lý giao thông, chủ yếu là cảnh sát giao thông cần đủ người, có tinh thần chủ động vượt khó, kiên quyết thực hiện nhiệm vụ, công bằng, tránh các hiện tượng tiêu cực, nêu gương chấp hành pháp luật cho người dân.
- Phát động được phong trào quần chúng, trước hết là lực lượng thanh niên, dân phòng và người tham gia giao thông ủng hộ và tích cực tham gia phân luồng. Sự ủng hộ của các đoàn thể xã hội và người dân là yếu tố quyết định thành công.

Đã có những thất bại nhưng cũng đã có những thành công trong quản lý giao thông mà đội mũ bảo hiểm là một thí dụ điển hình. Hỏi một quan chức giao thông Thái Lan, họ cũng gặp khó như ta, phải 10 năm, đội mũ bảo hiểm mới trở thành ý thức xã hội; phải 5 năm mới đưa việc phân luồng vào nền nếp ở những trục giao thông chính. Nhưng họ vẫn kiên quyết làm và đã làm thành công.

Vũ Duy Thông