Doanh nghiệp lúng túng tìm lối ra

Kinh tế - Ngày đăng : 07:36, 19/09/2011

(HNM) - Đà suy giảm trong đầu tư từ đầu năm đến nay đã kéo theo sự giảm tốc về sản xuất và tiêu dùng. Đặc biệt, tình trạng lạm phát ở mức cao khiến sức mua xã hội giảm ở nhiều phân khúc thị trường và diễn ra trên diện rộng.


Nhiều siêu thị trong tình trạng vắng khách hàng.   Ảnh: Khánh Nguyên

Theo Bộ Công thương, do sự suy yếu của hoạt động tiêu dùng và đầu tư trong nước nên một số DN công nghiệp gặp khó khăn vì lượng hàng tồn kho tăng, nguồn vốn ứ đọng, dù lãi suất ngân hàng giảm nhưng áp lực về tỷ giá vẫn gay gắt; giá nguyên vật liệu trong nước cũng như nhập khẩu vẫn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho DN trong công tác lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh (SXKD). Nhiều DN xác nhận, các khó khăn của DN và cũng là một đặc điểm của hoạt động SXKD trong thời gian qua là sự bị động và khó dự báo của cộng đồng DN. Rất nhiều yếu tố bất lợi và bất ngờ đã, đang diễn ra, đẩy DN vào tình thế không thể chống đỡ, cũng không thể né tránh, nên đành "chịu trận". Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, đã có khoảng 3.000 DN nhỏ và vừa rơi vào tình trạng đình trệ, không thể trả lương người lao động, hoặc phá sản trong 8 tháng qua. Tất nhiên, nguyên nhân có thể là việc không thể duy trì sản xuất là vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là do không tiêu thụ được sản phẩm. Không ít DN đang tồn kho 20-30%/ tổng sản phẩm, thậm chí còn ở mức cao hơn.

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng qua từng tháng, nhưng mức tăng lại có xu hướng chậm dần. Một số ngành sản xuất quan trọng, như khai thác mỏ giảm 0,7%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh giảm 0,2%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 22,8%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,2%... Nhiều sản phẩm đầu vào cho sản xuất giảm, như khí thiên nhiên giảm 6,3%, khí hóa lỏng giảm 5,4%, xăng dầu giảm 2,7%... Một số sản phẩm tiêu dùng, như điều hòa nhiệt độ giảm 20,8%, tủ lạnh, tủ đá giảm 14,5%. Đại diện Tập đoàn hóa chất cho biết, ngành sản xuất pin và ắc qui giảm doanh thu đáng kể vì lượng tồn kho lớn và mục tiêu tăng trưởng 15% của năm 2011 là khó thực hiện. Mặt khác, hiện tại chưa nhìn thấy những yếu tố tác động tích cực có thể xuất hiện trong những tháng cuối năm. Từ đó có thể thấy rõ tương lai ảm đạm vẫn đang ở phía trước DN. Sản phẩm của DN ở các địa phương cũng tồn đọng, khó tiêu thụ. Ông Đào Minh Hải, Giám đốc Sở Công thương Thái Bình xác nhận, sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 7-2011 đã tăng chậm lại so với cùng kỳ năm trước (chỉ tăng 12,1% bằng 50% so với cùng kỳ năm 2010 và bằng khoảng 70% của mức trung bình trong 6 tháng đầu năm 2011). Nhiều DN do sản phẩm tồn kho lớn nên sản xuất cầm chừng và lúng túng với việc tìm "đầu ra".

Các chuyên gia cho rằng, tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đang có chiều hướng chững lại là biểu hiện của sự trầm lắng, thiếu sức sống của thị trường. Do đó, DN khó bán sản phẩm, người tiêu dùng giảm nhu cầu mua hàng hóa, dòng vốn có lúc, có nơi vừa thiếu hoặc bị ứ đọng, không được luân chuyển kịp thời. Tồn kho dẫn đến đọng vốn và nảy sinh hàng loạt thiệt hại, tất cả trở thành "vòng xoáy", rất khó cho công tác điều hành trong việc tìm đường ra khỏi "vòng xoáy" này. Một diễn biến khác cũng đáng lo ngại và có thể gây hệ lụy "kép" cho DN là, mặc dù DN khó tiêu thụ sản phẩm nhưng giá bán một số sản phẩm quan trọng vẫn có xu hướng tăng hoặc được dự báo là sẽ tăng khiến cho thị trường càng trầm lắng. Đơn cử, giá nguyên, vật liệu xây dựng đang được cảnh báo là có thể diễn biến thất thường.

Tiêu thụ sản phẩm cho DN: Cách nào?

Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, phần lớn DN sản xuất đã thực hiện các giải pháp như tăng chiết khấu bán hàng, hỗ trợ chi phí vận chuyển và các khoản chi phí khác cho các đại lý. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận định, khó khăn của các DN SXKD là rất lớn. Từ thực tế này, Bộ Công thương chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong ngành phải thực hiện nghiêm công tác quản lý, hỗ trợ DN, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, tranh thủ cơ hội để mua - bán sản phẩm với nhau, ưu tiên hàng trong nước kết hợp giảm nhập khẩu nhằm hướng tới ổn định thị trường nội địa. Về phía mình, các DN cũng phải tìm ra phương án đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tùy theo hoàn cảnh và trên cơ sở năng động tự thân. Trong đó, cần quan tâm và tham gia vào những hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa hình thức giao nhận, thanh toán, kể cả chấp nhận cho khách hàng trả chậm cũng như tranh thủ tìm bạn hàng và ký kết hợp đồng xuất khẩu. Các Hiệp hội ngành nghề tăng cường hỗ trợ cho hội viên, tham gia có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại và tích cực trong đấu tranh chống rào cản thương mại.

Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng mạnh đối với DN cũng như thị trường nội địa, nên rất cần sự vào cuộc với biện pháp đồng bộ, linh hoạt của các ngành chức năng. Bộ Công thương và Bộ Tài chính đang nghiên cứu khả năng bổ sung thêm kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại để tăng cường cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho DN. Việc hạ lãi suất ngân hàng mới đây cũng là minh chứng cụ thể, tuy mới chỉ là bước đầu nhằm hỗ trợ DN có thể thoát hiểm, hướng tới sự bình ổn và sôi động trở lại của thị trường.

Hồng Sơn