Canh cánh nỗi lo thất truyền

Kinh tế - Ngày đăng : 07:21, 19/09/2011

(HNM) - Theo thống kê, cả nước có trên 2.000 làng nghề, trong đó, trên 1.000 làng nghề truyền thống với 1,4 triệu hộ làm nghề thủ công, tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Hồng.


Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) số hộ làm nghề đã giảm nhiều.

Nhiều làng nghề đã và đang có nguy cơ thất truyền, mai một, trong khi lớp lao động kế cận lại ngày một ít đi là một thực tế đang diễn ra ở nhiều làng nghề truyến thống. Tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, nếu như cách đây chỉ vài chục năm, làng có khoảng 1.500 khung cửi thì hiện tại, số hộ còn dệt lụa và số khung cửi ở làng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà Nguyễn Thị Liên, người dân làng nghề cho biết: "Sản phẩm lụa, the của làng mặc dù vẫn được thị trường yêu thích, giá trị ngày công vẫn rất cao (đạt 200-300 nghìn/ngày công) nhưng số hộ bỏ nghề vẫn ngày một nhiều". Nguyên nhân là do nghề này cần phải có đất rộng để đặt khung dệt, nhưng hiện tại các hộ làm nghề vẫn chủ yếu tại nhà, diện tích đất ở ngày càng thu hẹp bởi đô thị hóa, trong khi dệt lại tạo ra tiếng ồn lớn. Có một thực tế đáng buồn nữa là giới trẻ hiện nay không mấy người thích học nghề này bởi thời gian, không gian cả ngày bó hẹp bên khung cửi, ít có cơ hội giao tiếp với bên ngoài. Trong khi đó, những nghệ nhân, thợ giỏi dần "khuất núi", người còn thì cũng đã tuổi cao, sức yếu, chẳng còn làm được nhiều. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh, một nghệ nhân làng nghề cho biết, nếu như cách đây chục năm, đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi của làng có hàng chục người, thì nay chỉ còn vài ba người. Gần đây nhất, nghệ nhân Triệu Văn Mão, một trong những người cuối cùng biết dệt lụa Vân - một loại lụa cổ "chính tông Vạn Phúc" đã thất truyền cũng đã "ra đi". Những người yêu nghề trong làng không khỏi băn khoăn tự hỏi không biết làng mình còn giữ được nghề truyền thống trong bao lâu nữa?

Không riêng gì làng lụa Vạn Phúc, theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống ở nhiều địa phương đang có nguy cơ mai một, thất truyền do không thu hút được người học như nghề làm tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), nghề làm giấy sắc Nghĩa Đô, đúc đồng Ngũ Xã nghề làm tranh dân gian, làng thuốc nam Đại Yên... (Hà Nội).

Truyền nghề - muôn vàn khó khăn

Theo ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội làng nghề Việt Nam, lao động thủ công trong các làng nghề truyền thống là loại hình lao động dựa vào sự khéo léo, óc sáng tạo và đức tính nhẫn nại, cần cù. Tuy nhiên, hiện việc đào tạo nghề ở các làng nghề vẫn theo lối truyền nghề đơn lẻ trong các hộ gia đình, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho làng nghề để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Các nghệ nhân cao tuổi có tay nghề cao muốn truyền nghề cho lớp con cháu nhưng không có người học. "Tâm lý thanh niên hiện nay thích lập nghiệp bằng con đường học đại học. Nếu không vào được đại học thì họ cũng chọn học các nghề thời thượng như: điện tử, kế toán… rất ít người học nghề truyền thống" - ông Dần cho biết. Bên cạnh đó là hàng loạt các khó khăn khác như thiếu vốn sản xuất, thiếu thông tin thị trường, thiếu mặt bằng sản xuất. Trong khi đó, thị trường trong nước ngày càng khó tính, đầu ra cho sản phẩm khó khăn khiến thu nhập của người lao động thấp, việc làm không mấy ổn định. Không ít lao động đã đắn đo khi học nghề truyền thống ở các làng nghề, bởi phải mất một thời gian dài mới thành thục, trong khi nhiều nghề khác đem lại thu nhập ngay là nguyên nhân khiến nhiều lớp dạy nghề ở nông thôn mở ra không thu hút được cả học viên chứ chưa nói đến giữ chân lao động ở lại với nghề. Ông Tôn Gia Hóa, Trưởng ban dự án Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn trên, hàng thủ công mỹ nghệ cũng cần có những thay đổi cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng hiện đại, kể cả những thay đổi trong việc truyền nghề. Thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông mà gần đây nhất là "Chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn đến 2020", Hiệp hội đã tham gia đào tạo nghề cho lao động với 3 mô hình thí điểm: Đào tạo nghề, tổ chức việc làm để xây dựng làng nghề mới; đào tạo nghề, tổ chức việc làm kết hợp với vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm và đào tạo nghề, tổ chức việc làm để duy trì nghề truyền thống cho hơn 2.600 học viên góp phần cung cấp nhân lực và giải quyết khó khăn cho các làng nghề. Tuy nhiên, để giữ chân lao động thủ công tại các làng nghề truyền thống, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các làng nghề trong việc tiếp cận thị trường, vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo lao động… để làng nghề phát triển.

Nguyễn Mai