Chặng đường nhọc nhằn

Thế giới - Ngày đăng : 07:38, 18/09/2011

(HNM) - Có thể nói không ở đâu trên thế giới, việc thành lập Chính phủ sau bầu cử lại khó khăn như ở Vương quốc Bỉ.

Vương quốc Bỉ đã trải qua 462 ngày không có chính phủ.


Do không có đảng nào giành quá 50% số phiếu nên các đảng buộc phải ngồi vào bàn thương lượng để thành lập một chính phủ liên minh mà trụ cột là đảng N-VA và đảng Xã hội. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, bất chấp việc Nhà vua Albert II nhiều lần chỉ định trung gian hòa giải để dàn xếp đàm phán giữa các chính đảng, đến nay người dân Bỉ vẫn chưa có cơ hội nhìn thấy "bộ mặt" của tân Chính phủ. Những bất đồng trong sửa đổi Hiến pháp và phân quyền cho các vùng đã khiến vương quốc Socola trở thành đất nước không có Chính phủ lâu nhất thế giới, gần gấp đôi kỷ lục 289 ngày Iraq từng lập hồi năm ngoái. Thậm chí, không ít người đã tính tới khả năng Vương quốc Bỉ sẽ bị chia đôi hoặc học tập mô hình liên bang kiểu Thụy Sĩ - hai cộng đồng nói tiếng Pháp và Hà Lan tự thành lập nhà nước riêng.

Tuy nhiên, ngày 14-9 vừa qua, tia hy vọng lại lóe lên sau khi ông Elio Di Rupo, người được Nhà vua Bỉ giao nhiệm vụ giải quyết bế tắc chính trị hiện nay thông báo đã có sự khai thông trong tiến trình đàm phán thành lập Chính phủ mới. Trong một tuyên bố đưa ra sau hơn 15 giờ thương lượng, ông Rupo cho biết, 8 chính đảng lớn tham gia đàm phán đã có bước đi kiên quyết đầu tiên nhằm giải quyết khủng hoảng. Đó là gỡ bỏ những tranh cãi liên quan tới quận Bruxelles-Hal-Vilvorde, khu vực bao gồm thủ đô của Bỉ và các vùng ngoại ô nói cả hai thứ tiếng Hà Lan và Pháp. Diễn biến này được cho là sẽ tạo được bước tiến quan trọng trong quá trình thương lượng. Song chưa phải đã hết những vấn đề gây trở ngại cho cuộc thương lượng giữa các chính đảng và quá trình thành lập Chính phủ mới chắc chắn vẫn còn nhiều chông gai. Mối lo ngại lớn nhất hiện nay là tình hình này kéo dài sẽ gây những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế và xã hội của người dân, khiến cho các đối tác kinh tế lo ngại, hủy hoại vị thế của Bỉ ở châu Âu, thậm chí đe dọa xu hướng hội nhập trong toàn khu vực.

Hiện tại, mức thâm hụt ngân sách của Bỉ vẫn ở nhóm thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU): 4,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, con số này của Đức là 4,5%, Hà Lan 6%, Pháp 8%. Lẽ ra, với sự tăng trưởng vững chắc cùng các chỉ số kinh tế khá ổn định, mọi đánh giá về Bỉ nên tiến gần hơn tới khái niệm "cốt lõi của Eurozone" chứ không phải là một điểm "có vấn đề". Thế nhưng, khủng hoảng chính trị kéo dài đang khiến mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 4,1% trong năm 2011 của Bỉ rơi vào tình thế khó khăn. Trong khi đó, khoản nợ công dự kiến lên tới 98,1% GDP trong năm cũng đang đòi hỏi gấp một Chính phủ có năng lực để giải quyết. Do đó, dù hiện tại khoảng trống quyền lực ở Bỉ chưa mấy thành vấn đề nhưng sẽ trở nên nguy kịch nếu Chính phủ mới không được thành lập nhanh chóng.

Nếu cuộc đàm phán đang diễn ra tiếp tục thất bại, nhiều khả năng Bỉ sẽ phải bước vào một cuộc bầu cử mới. Nhưng như thế vẫn chưa phải là giải pháp hoàn hảo. Vì không ai dám chắc có đảng phái nào sẽ giành được trên 50% số phiếu bầu để tự đứng ra thành lập Chính phủ. Nếu khả năng này không xảy ra, các đảng phái của Bỉ một lần nữa phải ngồi lại với nhau để thành lập liên minh cầm quyền và một vòng luẩn quẩn mới lại bắt đầu mà hồi kết là không thể dự báo.

Quỳnh Chi