Văn trẻ ồn ào ở nơi cần im ắng
Văn hóa - Ngày đăng : 07:19, 18/09/2011
Miên di đã chia sẻ nhìn nhận thẳng thắn và có trách nhiệm của anh về văn học
nước nhà.
Nhà văn Tô Hoài đọc trích đoạn “Tân Dế mèn phiêu lưu ký” cùng tác giả miên di. |
- Bút danh miên di nghe đã rất lạ, cái tên riêng ấy lại không được viết hoa nữa. Anh có thể chia sẻ cái sự lạ ấy với bạn đọc?
- Bút hiệu “miên di” là một dấu ấn riêng tư, dấu ấn ấy vẫn đang… ăm ắp trong tôi, thành thử, tôi không viết hoa để nâng niu chút cảm xúc của động từ…
- Dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII vừa qua, anh cảm nhận gì về không khí người viết văn trẻ nước ta hiện nay?
- Đời sống văn học trẻ đang có nhiều hứa hẹn. Nhưng chúng tôi - những người trẻ cũng cần phải thật thà một điều: văn học trẻ đang ồn ào ở những chỗ cần im ắng, và đang vắng lặng ở những nơi đang rất cần tác phẩm trái phá.
- Có một yếu tố quan trọng: bên cạnh tài năng thì cần vốn sống để làm nên những tác phẩm giá trị. Nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nói rằng, nhiều cây bút trẻ “có nguy cơ đứt gãy với đời sống”. Là người viết trẻ, anh thấy có đúng không?
- Vốn sống là chất liệu cần thiết để hình thành tác phẩm, đây là chuyện tất nhiên rồi. Nhưng tôi không nghĩ “người viết trẻ có nguy cơ đứt gãy với đời sống”. Bởi, tính chất xã hội của thời kỳ này có khuynh hướng phân mảnh, xã hội đương đại không còn một “mẫu số chung” cho tất cả mọi người. Đời sống đang tập hợp trong nó vô vàn những kiểu hạnh phúc riêng, những lo toan riêng. Đây là sự “đứt gãy” xảy ra trong xã hội chứ không phải trong tâm thế người viết trẻ. Nó là nguyên nhân tạo ra những tác phẩm văn chương đương đại chỉ phản ảnh từng khía cạnh của đời sống một, không như ngày xưa chỉ cần một tác phẩm, thậm chí một câu thơ cũng có thể đồng vọng toàn xã hội. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa hai giai đoạn văn học, sự khác biệt ấy dẫn tới hiểu nhầm là những người viết trẻ chúng tôi đang xa lìa đời sống. Thiển nghĩ, phê bình đối tượng văn học trẻ nên quy chiếu trên một hệ giá trị mới - hệ giá trị ấy chính là sự lắp ghép từng mảnh giá trị khu biệt, rời rạc, thậm chí… tưởng như phi lý.
Cũng xin nói thêm trong thời kỳ này, đừng hy vọng vào duy nhất một tác phẩm, mà hãy hy vọng vào cả trăm cả ngàn tác phẩm góp lại. Trừ khi có một biến cố nào đó đủ lớn để bao phủ tất cả mọi người, thì lúc đó mới có thể có những tác phẩm mang trong nó giá trị phổ quát.
- Theo anh, văn học hiện nay đang thiếu vắng những mảng đề tài gì?
- Truyện chữ dành cho thiếu niên, nhi đồng đang quá thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong khi truyện tranh từ các nền văn hóa xa lạ thì tràn lan, nó đang hằng ngày loại trừ đi khả năng tưởng tượng của các cháu, cùng lúc không vun vén được gì nhiều cho một điều rất quý là khả năng tự giáo dục chính mình trong không gian văn hóa đọc. Và tham nhũng cũng đang là mảng đề tài nóng hổi, nhưng văn chương đương đại thì lại quá nguội lạnh, thờ ơ.
- Trong tham luận tại hội nghị vừa qua, anh kêu gọi và cũng có thể nói là “tự răn mình” rất nhiều về trách nhiệm xã hội của nhà văn trẻ. Vậy, cá nhân anh tự nhận thấy mình đã có trách nhiệm đến đâu với xã hội qua ngòi bút của mình?
- Tôi cảm thấy mình đang mắc nợ , tiếc rằng vì còn kém cỏi nên không thể nào trả hết.
- Làm kinh doanh thì phải tỉnh táo, nhưng viết văn, làm thơ thì phải “say” một chút. Liệu có gì mâu thuẫn giữa cuộc sống thật và ngòi bút của anh không?
- Không mâu thuẫn gì đâu, văn chương làm bằng chữ nghĩa, còn việc kinh doanh là… làm thơ bằng những con số, suy cho cùng đều là nghệ thuật cả. Văn chương cho tôi sự bình tâm trong lãng đãng. Còn kinh doanh buộc tôi phải lăn lộn vào đời thực, vừa kiếm tiền vừa lượm về bao nhiêu là chất liệu sống để bỏ vào… thơ. Đằng nào cũng thấy có lợi. Hời chán!
- Lý luận phê bình đang bị phê là “yếu”. Là người viết phê bình, theo anh đâu là yếu tố quan trọng nhất để lý luận phê bình có sức sống hơn?
- Môi trường lý luận đang tràn lan lý thuyết nhưng thiếu tính ứng dụng: sau những quy nạp, chưa sáng tạo được một biến thể nào vừa vặn với không gian văn học Việt đương đại, để thay thế cho những công cụ lý thuyết đã thuộc về hôm qua. Còn phê bình vốn có tính chất vừa là kẻ đến sau, vừa là người dẫn trước, trong thực trạng hiện nay, khi phê bình là kẻ đến sau thì… không có việc làm, do văn học đương đại chưa kịp có nhiều sáng tạo độc đáo để “rủ” người viết phê bình hứng thú nhập cuộc, mổ xẻ. Còn khi phê bình là người dẫn trước thì nó cũng chưa làm được đầy đủ trách nhiệm khai mở, soi sáng, đưa lối cho người sáng tác.
Ngoài ra, giọng văn của một số người trẻ viết phê bình đang thừa tính hàn lâm nhưng lại thiếu cảm xúc, “lên gân” quá, khiến cho người đọc đôi khi bị… hoảng. Có thể nói, những nhà phê bình trẻ chỉ mới cặm cụi trên nương rẫy khoa học phê bình chứ chưa chịu bay nhảy qua mảnh vườn hoa trái của nghệ thuật phê bình, chưa đẩy phê bình tới tầm mức văn chương.
- Xin cảm ơn anh và chúc anh luôn thành công!