Cấm bóng đèn sợi đốt, thay thế bằng gì?

Xã hội - Ngày đăng : 07:17, 17/09/2011

Ngày 12-9, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện nhằm thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Một trong những điểm đáng chú ý được nêu trong quyết định là, từ ngày 1-1-2013 cấm nhập khẩu, sản xuất và lưu thông loại đèn tròn (đèn sợi đốt) có công suất lớn hơn 60W.

Bóng đèn tròn (đèn sợi đốt) là loại bóng chiếu sáng phổ biến ở nước ta trước đây. Bóng có ánh sáng vàng, khi phát sáng sinh nhiệt cao, có tuổi thọ bền nhưng độ sáng thấp, tiêu hao nhiều năng lượng. Ở một số nước trên thế giới đã cấm sử dụng đèn sợi đốt và đây được coi là biện pháp tiêu dùng văn minh, tiết kiệm năng lượng.

Tại Việt Nam, đèn compact sản xuất trong nước cũng như hàng Trung Quốc (đang chiếm thị phần lớn) đang được sử dụng nhiều song trên thực tế cũng còn nhiều điều phải bàn như chất lượng còn thấp, tuổi thọ bóng đèn ngắn, giá lại cao hơn rất nhiều so với bóng đèn sợi đốt (đèn compact của các nước tiên tiến như Nhật, Đức, Italia... còn đắt hơn nữa). Việc bóng cháy, phải thay thế thường xuyên gây tổn thất cho người tiêu dùng nhiều hơn số tiền tiết kiệm được từ việc sử dụng ít điện. Mặt khác, bóng đèn sợi đốt không chỉ dùng để chiếu sáng mà còn được dùng trong nhiều mục đích khác nữa như sấy, sưởi ấm trong gia đình, dùng để kích thích cây ra hoa trong sản xuất nông nghiệp, là nguồn nhiệt trong các lò ấp trứng gia cầm... Bên cạnh đó, một bóng đèn sợi đốt công suất 60W so với các thiết bị điện gia đình khác đang được sử dụng phổ biến hiện nay như bình nước nóng, lò vi sóng, điều hòa nhiệt độ, máy sấy, máy xay sinh tố, máy hút bụi... vẫn dùng ít điện hơn rất nhiều song lại có những ưu việt và tác dụng không thể thay thế được. Chưa kể đến việc ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn, nhiều hộ gia đình vẫn đang sử dụng bóng đèn sợi đốt để chiếu sáng... Việc cấm sản xuất, lưu thông loại bóng đèn chiếu sáng này sẽ gây nên những khó khăn nhất định.

Việc Chính phủ ban hành quyết định với những nội dung cụ thể để thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện là rất cần thiết, song chúng tôi nghĩ, để chủ trương thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh người dân cần nêu cao ý thức tiêu dùng hợp lý, việc các ngành công thương, điện lực, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; tiếp tục tăng cường thực hiện tiết kiệm điện ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện năng; kiểm tra, xử lý thật nghiêm các trường hợp, hành vi sử dụng điện lãng phí; tập trung đầu tư, nghiên cứu để làm ra các sản phẩm chiếu sáng có độ bền cao, giá thành hạ (nhất là đối với các loại bóng đèn dùng trong gia đình)... là hết sức cần thiết.

Người Tiêu Dùng