Giá thấp thì khó đòi hỏi chất lượng nước tốt?
Đời sống - Ngày đăng : 06:42, 17/09/2011
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh nước sạch (KDNS) Hà Nội:
- Thưa ông, sự chênh lệch quá lớn giữa giá bán và chi phí sản xuất tác động như thế nào đến hiệu quả SX - KD của công ty cũng như việc sử dụng nước sinh hoạt của người dân?
Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2011, chúng tôi đã lỗ 20 tỷ đồng. Tiền điện, tiền hóa chất, chi phí nhân công, bảo dưỡng, vật liệu kỹ thuật, tiền thuế… đã khiến tổng chi phí một mét khối nước đắt gấp đôi giá bán hiện tại. Để có đủ kinh phí duy trì công tác cấp nước, ngoài việc thực hành tiết kiệm bằng cách giao định mức chi phí cho từng đơn vị, chúng tôi phải tiến hành các hoạt động khác để bù đắp như thiết kế, thi công xây lắp hệ thống cung cấp nước sạch, sửa chữa, bảo dưỡng đường ống, sản xuất nước tinh khiết đóng chai… Cung cấp nước sạch là một loại hình dịch vụ công ích, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, có tác động lớn đến ổn định xã hội nên chúng tôi xác định thực hiện nhiệm vụ chính trị là mục tiêu hàng đầu. Tuy nhiên, việc giá nước quá thấp như hiện nay dẫn đến một hậu quả là không hình thành được thói quen sử dụng nước tiết kiệm của người dân. Một gia đình có 5 người, tháng nắng nóng tiền điện có thể lên đến triệu bạc nhưng tiền nước chắc chắn chưa đến một trăm nghìn đồng. Vì vậy ra khỏi phòng là người ta tắt điện nhưng đã có mấy ai vặn nhỏ vòi nước khi rửa tay do khoản tiền tiết kiệm từ nước sinh hoạt là rất không đáng kể. Thói quen sử dụng nước lãng phí dẫn đến các hậu quả lâu dài như cạn kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước mặt... Chưa kể đến việc người dân càng sử dụng lãng phí, tiêu tốn nước, chúng tôi càng phải tăng cường nguồn cung, dẫn đến thua lỗ càng lớn mà không có kinh phí để mở rộng địa bàn phục vụ, tái đầu tư… Những hệ lụy này đều có nguyên nhân từ giá bán chưa hợp lý.
Công nhân Nhà máy nước Cáo Đỉnh bảo dưỡng hệ thống lọc nước. Ảnh: Khánh Nguyên |
- Nói như vậy, giải pháp hiệu quả nhất phải chăng là tăng giá nước sinh hoạt?
Tăng giá là một xu thế tất yếu đồng thời cũng là giải pháp hiệu quả cho các vấn đề tôi vừa nêu trên. Cũng là mặt hàng thiết yếu nhưng giá điện một năm tăng đến 2-3 lần còn giá nước 5 năm chưa một lần tăng trong khi giá đầu vào như nguyên vật liệu, nhân công, chi phí bảo dưỡng… tăng từng ngày là hết sức vô lý, cần sớm có lời giải. Thời gian gần đây, các loại hàng hóa thiết yếu như điện, viễn thông, xăng dầu… đều được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, tại sao nước sạch lại đứng ngoài quy luật này? Giá nước sinh hoạt hiện vẫn do UBND cấp tỉnh quyết định, nhiều tỉnh, thành cũng đã điều chỉnh tăng cao hơn giá nước tại Hà Nội. Chúng tôi đã có văn bản trình thành phố về việc tăng giá bán nước sạch và đã được đồng ý về chủ trương. Hiện đề án điều chỉnh giá bán nước sinh hoạt đang được xây dựng để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Tôi chưa thể đưa ra một mức giá cụ thể vì còn phải chờ duyệt nhưng ít nhất mức tăng cũng phải từ 40% đến 50% so với hiện tại.
Trong các cuộc hội thảo hoạch định chính sách phát triển ngành nước, cá nhân tôi cũng kiến nghị một cơ chế phù hợp hơn cho việc điều chỉnh giá nước. Hiện chỉ còn duy nhất mặt hàng nước sạch là bị quản lý về giá. Đề nghị cơ quan chức năng xây dựng một lộ trình điều chỉnh giá bán nước sinh hoạt, nếu không được 3 đến 6 tháng một lần thì cũng nên năm một lần cho phù hợp với giá cả thị trường. Chừng nào giá còn quá thấp so với chi phí thực thì chất lượng sản phẩm còn không được như mong muốn. Và câu trả lời cho câu hỏi "bao giờ nước ở Hà Nội uống được tại vòi?" sẽ vẫn còn xa vời vì đang thiếu một "cây gậy" để ngành nước nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ.
- Từ ngày 1-7-2011, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực đồng nghĩa với việc một số hợp đồng mẫu, trong đó có nước sạch, sẽ phải chỉnh sửa theo hướng có lợi cho NTD. Vậy, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ra đời hết sức cần thiết song cũng lại là một thách thức lớn đối với ngành nước, nhất là trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên đã là luật thì phải nghiêm chỉnh chấp hành. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, có các giải pháp phù hợp để cố gắng bảo đảm thực thi luật, đồng thời nâng cao được hiệu quả SX-KD, chất lượng phục vụ. Trước mắt, công ty đã chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai kiểm tra, thay mới miễn phí hàng loạt đồng hồ nước cũ trên địa bàn. Việc làm này không chỉ nhằm chống thất thoát nước mà còn là biện pháp để người dân sử dụng nước tiết kiệm, bảo đảm áp lực trong hệ thống truyền dẫn để các "vùng sâu, vùng xa" cũng có nước sinh hoạt...
- Xin cảm ơn ông!