Phương án trưng bày tại BTHN: Sẽ tạo ấn tượng mạnh

Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 17/09/2011

(HNM) - "Khác với kiểu trưng bày mang tính hàn lâm tại những bảo tàng cũ của Hà Nội, cách trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội sẽ theo lối mới, áp dụng công nghệ hiện đại, đưa nhiều hình ảnh bổ trợ cho hiện vật, cùng với tác động của âm thanh, ánh sáng, thiết bị tương tác… chắc chắn sẽ tạo những ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem về lịch sử của Thủ đô Hà Nội, thành phố hơn ngàn năm tuổi" - ông Đồng Huyền Ngọc, Giám đốc BQL Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội (Sở Xây dựng) khẳng định.

Câu chuyện từ một cửa sổ phòng khách

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế tổng thể nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội. Phần nội dung trưng bày do Công ty Story INC (New Zealand) tư vấn thiết kế và Sở Xây dựng Hà Nội là chủ đầu tư. Trước khi trình UBND TP Hà Nội, hồ sơ thiết kế này đã được Cục Di sản chấp thuận về mặt chuyên môn. Từ ý tưởng đầu tiên sơ khai đến thiết kế tổng thể đã phân định không gian trưng bày theo từng chủ đề, từng tầng của Bảo tàng Hà Nội. Cụ thể, khu vực đại sảnh của không gian trưng bày tầng 1 là hình ảnh Rồng thiêng, tượng trưng cho linh hồn, lịch sử văn hóa của Hà Nội. Trong diện tích khoảng 300m2 được dành cho các phòng trưng bày tạm thời. Tùy theo từng thời điểm, từng sự kiện mà khu vực này sẽ bố trí trưng bày các hiện vật tương ứng. Phần còn lại của tầng 1 bố trí khu vực phục vụ gồm: quầy lễ tân, quầy bán vé, bán hàng lưu niệm, giải khát…

Bảo tàng Hà Nội ngay từ ngày khánh thành đã thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: Linh Tâm

Không gian trưng bày tại tầng 2 được phân định 2 khu vực, 2 chủ đề khác nhau. Không gian trưng bày đầu tiên được chia ra làm 3 khu, thể hiện chủ đề về tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Hà Nội với các ý tưởng cụ thể như: "Câu chuyện của một thành phố lớn"; "sân khấu trên nền thiên nhiên" và "Giao thoa cuộc sống". "Câu chuyện về một thành phố lớn có thể được tái hiện dưới cái nhìn đơn giản, từ cửa sổ phòng khách của một gia đình Hà Nội. Bằng các đồ hình, đồ họa, đèn chiếu sẽ tạo cảm giác về một Hà Nội đã từng hứng chịu bom đạn oanh tạc trong chiến tranh, những con phố Hà Nội thanh bình yên ả những năm đầu thế kỷ và một Hà Nội đang đông đúc, nhộn nhịp như ngày nay" - ông Ngọc chia sẻ về ý tưởng thiết kế của Story INC.

Không gian trưng bày 2 có chủ đề về thời tiền Thăng Long, chia ra với các khu trưng bày về lớp cư dân đầu tiên khai phá vùng đất Hà Nội và những trung tâm quần cư thời tiền Hùng Vương; Hà Nội thời dựng nước Văn Lang và Âu Lạc; các cuộc khởi nghĩa chống phong kiến phương Bắc và buổi đầu thời tự chủ Ngô - Đinh - Tiền Lê.

Trên tầng 3 của Bảo tàng sẽ là không gian trưng bày về chủ đề Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt, từ thế kỷ XI - XVIII, gồm 4 khu trưng bày: Kinh đô Thăng Long - sự ra đời của một thành phố mới, Thủ đô của nước Việt Nam trong gần 1000 năm; Thăng Long - Trung tâm chính trị của cả nước, nơi diễn ra những sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước; Thăng Long - Trung tâm văn hóa, giáo dục, tôn giáo và tín ngưỡng; Thăng Long - Trung tâm kinh tế, thương mại; các làng nghề, phố nghề của Thăng Long, Hà Nội.

Với chủ đề "Từ Thăng Long tới Hà Nội", không gian trưng bày của tầng 3 còn gồm 4 khu trưng bày về sự chuyển đổi thành Thăng Long sang tỉnh thành Hà Nội thế kỷ XIX; về kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp hai lần đánh chiếm Hà Nội; về Hà Nội là đô thị tiêu biểu của phương Đông, thành phố cấp I và là Thủ phủ của Liên bang Đông Dương và cuối cùng là cuộc chiến giành độc lập nửa đầu thế kỷ XX. Diện tích còn lại của tầng 3 sẽ là không gian trưng bày về lối sống của người Hà Nội; Bác Hồ với Hà Nội và các bộ sưu tập cá nhân.

Trên tầng 4 của Bảo tàng sẽ chia ra làm 6 khu trưng bày chính về thời kỳ chiến tranh chống Pháp, giai đoạn 1945 - 1954; thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, giai đoạn 1967 - 1975; Hà Nội trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và dốc sức cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, giai đoạn 1967 - 1975. Ba khu còn lại sẽ tái hiện Hà Nội thời kỳ bao cấp trước những năm đổi mới 1975 - 1986; Hà Nội trong những năm đổi mới và chuyển dịch kinh tế từ năm 1986 đến nay và tương lai của thành phố Hà Nội.

Không gian trưng bày ngoài trời được bố trí thành 10 khu vực xung quanh nhà Bảo tàng, là nơi trưng bày sinh vật cảnh, các hiện vật lớn; khu 36 phố phường, văn hóa ẩm thực; đồ chơi và trò chơi dân gian, lễ hội…

Khách tham quan Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm

Hoàn thiện “cuốn chiếu”, người dân vẫn có thể vào xem

Theo ông Ngọc, sau khi hồ sơ thiết kế tổng thể nội dung trưng bày của Bảo tàng được UBND TP phê duyệt, trong những ngày tới đây, chủ đầu tư là Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục chỉ định ký hợp đồng với nhà tư vấn thiết kế để cho ra một thiết kế chi tiết. Giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục lộ trình thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế chi tiết. Giai đoạn cuối là giao thầu cho các đơn vị thi công, hoàn thiện theo thiết kế chi tiết.

Theo hướng dẫn thực hiện của Chính phủ, giai đoạn thi công sẽ áp dụng theo kiểu "cuốn chiếu", tức hoàn thiện theo từng phần, từng khu vực theo một trình tự nhất định. Đơn vị thi công làm xong đến đâu, Bảo tàng phục vụ khách tham quan đến đó, bảo đảm trong quá trình này, Bảo tàng hoạt động bình thường.

Theo dự kiến của ông Ngọc thì phải đến năm 2014 mới có thể lấp đầy được nội dung trưng bày vào các không gian rộng lớn của Bảo tàng Hà Nội với tổng chi phí đầu tư phần nội dung trưng bày hơn 775 tỷ đồng được cấp từ nguồn vốn ngân sách. Khi hoàn thành, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế sẽ được chiêm ngưỡng, hưởng thụ phần "hồn cốt" của Bảo tàng hiện đại bậc nhất Việt Nam này.

Ngân Hạ