Trạch thủy khổn
Sách - Ngày đăng : 10:16, 16/09/2011
Bức tranh tả bánh xe rời khỏi xe, đó là tình cảnh bị hãm vào khó khăn không tiến thoái được. Hơn nữa, lại có người bệnh ốm nặng phải để một cái ấm sắc thuốc ngay đầu giường, cho thấy bệnh nhân đang cần cứu chữa mà không có cách. Một người đổ nước xuống ao cạn khô là chỉ cơn hạn hán sẽ hồi sinh khi được nước cứu giúp. Khổn là trạng thái nằm gai nếm mật, bị ngăn trở nên duỗi dài trong khổ não. Cũng có thể do tiểu nhân ngăn cản mà sinh bất đắc chí, hơn nữa còn túng thiếu tiền bạc, nói không ai tin, va vấp khắp nơi. Nhưng nhờ hoàn cảnh gian nan ấy mà chân giá trị của con người mới được phát huy.
Theo Kim văn, Khổn có hình bó củi, ngụ ý bị bó chặt hoặc buộc chặt với nhau, gò bó hoặc theo cổ văn thì Khổn là ngọn cây bị chặn lại không thể mọc lên được. Triệu của Khổn là loát hãn du thế (cho leo lên cây rồi rút thang). Màu sắc của quẻ này là tím - xanh lơ gây ra cảm giác bồn chồn, bất ổn, lo sợ. Trong cuộc sống, những người quân tử có học vấn luôn giữ được mình trong cảnh khốn khó bằng ý chí, nghị lực và tri thức. Còn những kẻ tiểu nhân khi sa cơ lỡ vận chỉ mong lấy lời nói để cứu thoát mình, hại lây người khác sẽ trở thành bất tín và càng khốn cùng hơn nữa. Vậy nên, lúc rơi vào cảnh Khổn, ta cần nắm những nguyên tắc sau:
1. Trong khó khăn phải biết bình tĩnh chịu đựng, kín đáo nhưng sáng suốt đánh giá và theo sát hoàn cảnh, quyết tâm thực hiện mục đích của mình đến cùng. Thời nhà Hán, Tư Mã Thiên là Thái Sử lệnh, đang thực hiện theo di nguyện của cha là viết cuốn Sử ký thì gặp hoạn nạn. Ông đã bênh vực cho tướng quân Lý Lăng vì không được triều đình tiếp viện thêm quân nên đã đầu hàng Hung Nô. Hán Vũ Đế và bè lũ gian thần đã bắt ông phải chịu tội cung hình. Tuy vô cùng bi phẫn nhưng ông quyết tâm tiếp tục sống để ghi chép sử trong nhà lao. Được tha khỏi tù, Tư Mã Thiên vẫn bị bọn hoạn quan mắng nhổ, sỉ nhục hàng ngày, chúng còn phóng hỏa đốt nhà ông khiến cho các bản thảo và tài liệu đều cháy hết. Ông đã ngậm đắng nuốt cay, tự mình gánh lại công việc nặng nhọc là soạn lại bộ sách sử. Qua mười mấy năm trời, cuối cùng ông đã hoàn thành bộ Sử Ký đồ sộ với trên 52 vạn chữ, trở thành tác phẩm của muôn đời.
2. Dù bị chèn ép, hãm hại, o bế đến mức nào cũng phải giữ sự trong sạch, chính trung của mình. Tuy nhiên, cách giữ mình thái quá như thế đôi khi trở thành bản bi tráng ca cho hậu thế. Thời Xuân Thu, Khuất Nguyên làm Tả Đồ nước Sở, phụ trách ngoại giao. Lúc đầu Sở Hoài Vương rất trọng dụng ông nhưng sau bị kẻ xấu gièm pha, ly gián nên ông bị xử lưu đày. Khuất Nguyên tiếp tục bị đày đến Giang Nam vì tội tiếp tục dâng sớ can gián vua. Trong lúc đó, Sở Hoài Vương bị đám gian thần, mỹ nữ lừa gạt nên u muội, thất bại trong ngoại giao và quân sự, Hoài Vương bị lừa bắt giam và chết tại nước Tần. Có người gặp hỏi Khuất Nguyên rằng vốn là một đại phu thơ ca trác tuyệt sao lại thân tàn ma dại đến vậy? Ông đáp: Vì trần thế đục ta trong, vì người đời say ta tỉnh. Lại hỏi: Thánh nhân không bị sự việc trói buộc, có thể thay đổi thế gian. Trần thế đục sao ngài không tắm mình trong dòng đục. Người đời say sao ngài không uống rượu để say. Sao phải ưu tư mãi vì việc khác mọi người? Khuất Nguyên khảng khái: Ta chỉ biết người tắm xong phải thay quần áo sạch, sao lại phải khoác lên mình bộ quần áo đầy bụi bẩn làm nhơ tấm thân trong sạch. Ta thà gieo mình xuống sông làm mồi cho cá chứ quyết không để tấm thân trong sạch nhuốm bụi trần. Và ông nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn. Chỉ có điều, người đời sau chắc sẽ thắc mắc rằng, liệu ông có biết dòng sông ấy đã bị ô nhiễm hay không?
3. Gặp lúc bĩ cực, không làm liều để ảnh hưởng tới đại cục, nhưng có hy sinh thì cũng phải biết cái chết của mình đáng giá và có lợi cho quốc gia. Thời Tần Thủy Hoàng, Đại tướng Mông Điềm lập nhiều chiến công hiển hách: Tiêu diệt Hung Nô, san núi xây thành, đắp Vạn Lý Trường Thành, giúp đỡ con trưởng của Hoàng đế là Phù Tô. Khi Tần Thủy Hoàng chết, Thái giám Triệu Cao đã sửa lại di chúc của vua, lập con thứ là Hồ Hợi lên làm Hoàng Đế, ban lệnh Phù Tô, Mông Điềm phải chết. Phù Tô tự sát, Mông Điềm chưa muốn chết, ông muốn làm sáng tỏ sự việc và đã bị bắt giam ở Dương Châu. Hồ Hợi nghe lời xúc xiểm của Triệu Cao nên đã giết chết em Mông Điềm và đòi xét tội để giết cả ông. Biết chuyện này, Mông Điềm đã tuyên bố: Họ nhà Mông chúng tôi đã ba đời lập công cho nước Tần. Tôi soái lãnh 30 vạn binh, tuy ở trong tù, nhưng thế lực của tôi vẫn đủ để đảo chính. Nhưng vì không thể dùng phẫn uất riêng tư để làm hại xã tắc, làm nhục quy định của tổ tiên và quên đại ân đại đức của tiên đế với tôi. Rồi ông khẳng khái uống thuốc độc tự vẫn. Lưu danh thơm quân tử cho đời sau.
4. Tuy muốn vượt qua khó khăn, nhưng vẫn cần phải xem xét lực lượng nhiều bên tương quan và đôi khi phải biết táo bạo liều chết khi hoàn cảnh bắt buộc. Thời nhà Hán, Ban Siêu dẫn 36 người đi sứ Tây Vực. Khi đến yết kiến triều đình, Thiện Vương đón tiếp long trọng. Nhưng chỉ vài ngày sau, thái độ của triều đình bỗng lạnh nhạt hẳn, không muốn ký hòa ước với nhà Hán nữa. Cho người dò hỏi, Ban Siêu mới biết Hung Nô, kẻ thù không đội trời chung của nhà Hán, đã phái sứ giả đến thuyết phục Thiện Vương. Ban Siêu bèn tập hợp cả đoàn lại quyết định: Sứ giả Hung Nô vừa tới mà Thiện Vương đã lạnh nhạt với chúng ta. Khả năng chúng ta bị bắt giao cho Hung Nô thì tất phải chết. Chẳng lẽ lại bó tay chịu trói? Bây giờ nhân đêm tối, dùng hỏa công diệt cả phái đoàn Hung Nô đi, dẹp bỏ ý nghĩ dựa vào Hung Nô của Thiện Vương. Và đêm đó, đoàn sứ giả Hán bất ngờ hành động. Sáng hôm sau, Ban Siêu dâng lên Thiện Vương thủ cấp của sứ giả Hung Nô, Thiện Vương sợ hãi và kính phục sức mạnh, uy thế của nhà Hán nên đã quyết định phái con trai sang Hán, đưa văn khế ký hòa ước mãi mãi.
5. Dù cuộc sống khó khăn, vẫn cần phải trung thực, thật thà và không nên tìm cách bôi xấu người khác hoặc tránh kể lể khuyết điểm để cầu lợi cá nhân, như thế thì sẽ có nhiều người nể phục giúp mình. Thuở hàn vi, nhà chính trị, văn sĩ nổi tiếng Phạm Trọng Yêm rất nghèo nhưng ham học. Vì trưởng lão chùa Lễ Tuyền có học vấn, nên ông xin tới theo học. Cuộc sống trong chùa rất khốn khó, các nhà sư hàng ngày phải húp cháo loãng cho đỡ đói. Có lần, một tiểu hòa thượng không chịu được đã lén húp hết bát cháo của Phạm, tuy nhìn thấy nhưng ông vờ không biết và cũng không lên tiếng. Nhưng vì đói quá nên ông ăn tạm mấy miếng dưa muối rồi chạy ra bờ suối cạnh chùa uống nước. Trưởng lão thấy lạ hỏi tại sao đã ăn cháo lại còn ăn dưa và uống nước lạnh? Nếu đói quá thì sẽ cho thêm lương khô? Nhưng Phạm từ chối và đề nghị trưởng lão chia lương khô thêm cho các sư huynh để ăn. Từ đó về sau, phần cháo của Phạm không bị húp trộm nữa và các sư trong chùa một lòng đùm bọc, giúp ông thành danh.
6. Có lòng muốn giúp người khác thoát khỏi hoàn cảnh nguy nan, thì phải có biện pháp thích hợp và hiệu quả mới có thể thành công. Thời Chiến quốc, vua Tề là Cảnh Công hay hỉ nộ bất thường. Ông ta có thú vui là săn bắn và nuôi chim. Một lần, viên quan hầu để sổng mất con chim quý, Cảnh Công tức giận ra lệnh giết ông ta. Đại phu Án Tử bước lên đề nghị được tuyên bố tội trạng của viên quan rõ ràng rồi hãy giết, Cảnh Công đồng ý ngay. Án Tử kể tội như sau: Ngươi trông chim cho đại vương để chim bay mất là tội thứ nhất; ngươi để đại vương vì một con chim mà nổi giận giết chết người là tội thứ hai; vì ngươi bị chém, các vua nước khác biết được họ sẽ cho rằng đại vương coi trọng chim hơn quan lại, đó là tội lớn thứ ba. Đến lúc đó, Cảnh Công mới tỉnh ngộ ra và tha chết cho viên quan nọ.