Tập trung giải quyết khâu tiêu thụ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 16/09/2011

(HNM) - Thực hiện đề án Sản xuất rau an toàn (RAT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Mục tiêu chính mà đề án hướng tới là hình thành những vùng RAT lớn, cung cấp rau sạch cho nhu cầu ngày càng tăng của người dân Thủ đô.

Đặc biệt, đây là hướng thoát nghèo cho nông dân khu vực ngoại thành khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, là bước đệm quan trọng để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).


Chăm sóc rau an toàn ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh. Ảnh: Khánh Nguyên

Theo đề án Sản xuất RAT, đến năm 2015, Hà Nội sẽ có khoảng 5.000-5.500ha RAT nhưng đến thời điểm này, mới có trên 3.200ha được trồng ở nhiều vùng sản xuất tập trung như Chương Mỹ, Đông Anh, Thanh Trì... đáp ứng hơn 20% nhu cầu tiêu thụ rau của người dân trên địa bàn. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn bộ diện tích đất trồng rau của Hà Nội (bao gồm cả RAT) mới chỉ đạt 12.000ha. Với sản lượng đạt gần 600.000 tấn rau các loại/năm, người trồng rau Hà Nội mới chỉ cung cấp được hơn 60% nhu cầu về rau xanh cho người tiêu dùng Thủ đô.

Hiện nay, mới chỉ có 8/21 dự án RAT được phê duyệt và điều đáng nói là trong 8 dự án này chỉ có một dự án xây dựng được phương án quản lý tổ chức sản xuất (SX). Hầu hết các dự án khi xây dựng không có hợp phần 2 - hợp phần quản lý tổ chức SX và tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV), trong tổng số hơn 700 tỷ đồng từ tiền ngân sách của thành phố hỗ trợ đề án RAT, có trên 80% nguồn vốn dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ có hơn 19% dành cho việc tổ chức quản lý, SX và tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Hồng Anh, một trong những nguyên nhân khiến các dự án RAT triển khai chậm, không hiệu quả là do tỷ trọng vốn dành cho hạ tầng quá lớn. Đa số dự án khi xây dựng và trình duyệt chỉ đề cập đến xây dựng cơ sở hạ tầng, không xây dựng nội dung và kinh phí cho hợp phần tổ chức quản lý, chỉ đạo SX và tiêu thụ. Do vậy, nhiều dự án sau khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng đã không triển khai được khâu SX và tiêu thụ như các dự án ở Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì); Thanh Xuân (Sóc Sơn); Tây Đằng, Chu Minh (Ba Vì)…

Do khó khăn trong tiêu thụ, thiếu vốn để SX nên nhiều nông dân quay về trồng rau thường chi phí thấp, dễ bán. Đặc biệt, đề án quy định hỗ trợ 300-350 triệu đồng/ha cho vùng sử dụng nước ngầm cao hơn vùng sử dụng nước mặt 120-150 triệu/ha nên nhiều chủ đầu tư dự án chỉ ưu tiên đề xuất phương án nước ngầm, kể cả những dự án có thể triển khai được nguồn nước mặt, gây khó khăn cho các sở, ngành khi thẩm định, làm chậm tiến độ. Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết thêm, hiện nay đề án mới chỉ đề cập đến việc ưu tiên bố trí địa điểm cửa hàng và hỗ trợ một phần thuê cửa hàng chứ chưa đề cập đến hỗ trợ vận chuyển rau từ vùng SX đến nội thành. Đây là khâu quan trọng, chiếm chi phí lớn, nhất là những vùng rau xa trung tâm. Nếu không được hỗ trợ sẽ đội giá thành lên cao, gây khó khăn cho việc phát triển tiêu thụ ở các vùng RAT tập trung.

Để từng bước tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong SX RAT, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đã ký quyết định điều chỉnh, bổ sung một số điều trong đề án. Dự kiến sẽ có 25-30 vùng RAT phân bố ở các quận, huyện, trong đó có 3-4 vùng trình diễn theo hướng kỹ thuật cao. Thành phố sẽ hỗ trợ đầu tư cho các vùng sản xuất RAT tập trung dưới hình thức phê duyệt dự án đầu tư. Điều cốt yếu là khi nghiên cứu lập dự án phải bảo đảm có đủ hai hợp phần, hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng và tổ chức SX tiêu thụ. Các dự án nên nghiên cứu, ưu tiên lựa chọn nguồn nước mặt đạt tiêu chuẩn, nếu không có nguồn nước mặt hoặc nguồn nước mặt bị ô nhiễm không thể khắc phục mới đề xuất phương án nước ngầm. Thành phố sẽ hỗ trợ không quá 350 triệu đồng/ha, vùng trình diễn không quá 500 triệu đồng/ha.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, thành phố sẽ hỗ trợ 180 tỷ đồng vốn thực hiện hợp phần 2 - hợp phần quản lý SX và tiêu thụ RAT cho các vùng rau tập trung. Ngoài ra, hỗ trợ 100-200 triệu đồng/ha trong 2 năm đầu cho các dự án xây dựng phương án tổ chức quản lý SX và tiêu thụ nhằm phát huy hiệu quả sau đầu tư hạ tầng…

Đào Huyền