Vụ bán tin gây chấn động
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:59, 16/09/2011
(HNM) - Vụ việc Stewart David Nozette, nhà khoa học, thiên văn học Mỹ và từng làm việc cho Bộ Năng lượng, Bộ Quốc phòng và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thừa nhận tội danh bán thông tin tuyệt mật của Mỹ cho Israel trong phiên xét xử của tòa án liên bang tại thủ đô Washington D. C., đã gây chấn động nước Mỹ.
Nhà khoa học 54 tuổi bị Bộ Tư pháp Mỹ theo dõi khi tập đoàn phi lợi nhuận ACT do nhà khoa học này điều hành bị nghi ngờ hoạt động gian lận. Mẻ lưới bắt đầu được giăng vào tháng 9-2009, thời điểm ông Nozette nhận được những cuộc gọi đầu tiên của một người tự nhận mình là nhân viên của Cơ quan Tình báo Israel (Mossad). Đương nhiên ông này không ngờ đó lại là một nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Trong các cuộc gặp gỡ sau đó, nhà khoa học người Mỹ tiết lộ có ý định bán tin tức không gian tuyệt mật liên quan đến công nghệ vệ tinh, hệ thống cảnh báo sớm, một số loại vũ khí phòng thủ và tấn công, thông tin tình báo viễn thông và một số tin tức chiến lược quốc phòng... cho Israel. Trao đổi với đối tác tại khách sạn Mayflower ở trung tâm Washington, ông Nozette cho biết, Chính phủ Mỹ đã phải chi từ 200 triệu đến gần 1 tỷ USD để thu được những kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực trên trong khi ông ta chỉ cần 2 triệu USD và một cuốn hộ chiếu Israel để có thể tẩu thoát khi gặp bất trắc. Theo nhà khoa học, cha mẹ ông là người Do Thái; vì thế, ông có quyền trở lại đất nước theo luật Israel. Các công tố viên cho biết cựu thành viên NASA cũng đồng ý sẽ cung cấp thông tin thường xuyên cho Mossad qua một hòm thư tại bưu điện để đổi lấy tiền. Ông này đã nhận được khoảng 20.000 USD cho hai lần thanh toán tiền bán tin. Khi các bằng chứng đã đầy đủ, ngày 19-10-2009, FBI quyết định cất lưới và Nozette đã bị bắt giữ với cáo buộc bán tin tức bí mật của Mỹ cho nước ngoài.
Có bằng tiến sĩ khoa học không gian tại Học viện Kỹ thuật Masachusset danh giá, Nozette có thời gian dài làm việc với các dự án của chính phủ về khoa học và vũ trụ tại NASA, Bộ Năng lượng và Hội đồng Vũ trụ quốc gia của Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George Bush cha. Nhà khoa học này còn tham gia nhiều chương trình hạt nhân và vệ tinh nhạy cảm của Chính phủ Mỹ và được tiếp cận với những thông tin tuyệt mật cũng như những dự án đặc biệt của chính phủ. Nozette cũng được xem là một chuyên gia công nghệ quốc phòng khi là thành viên của chương trình phòng thủ tên lửa thời cựu Tổng thống Ronald Reagan có tên gọi "Sáng kiến quốc phòng chiến lược". Nhà khoa học gốc Do Thái này cũng đã có những nghiên cứu tìm ra bằng chứng về sự hiện diện của nước ở cực Nam mặt trăng. Vì được tiếp cận nhiều thông tin quan trọng, trong đó có cả chương trình tên lửa hạt nhân của Mỹ, Tổng Chưởng lý Eric Holder đã yêu cầu áp dụng lệnh hạn chế tiếp cận thông tin đặc biệt với nghi can Nozette trong thời gian tạm giam.
Với những cáo buộc liên quan đến tội bán bí mật quốc gia, nhà khoa học sinh ra tại Chicago bang Ilinois có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình. Nhưng nhờ sự hợp tác với các công tố viên trong quá trình điều tra, Nozette nhiều khả năng sẽ nhận mức án 13 năm tù giam. Phiên xét xử tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 11 tới và giới quan sát tin rằng nhà khoa học này sẽ lĩnh án mà không có bất kỳ sự kháng cáo nào. Những năm nằm sau song sắt là cái giá mà một chuyên gia cao cấp như Nozette phải trả khi một công dân phản bội lại chính đất nước mình.