Afghanistan: Vết thương không dễ lành

Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 16/09/2011

(HNM) - Trong tuần lễ nước Mỹ kỷ niệm 10 năm sự kiện khủng bố 11-9 khiến gần 3.000 người thiệt mạng, dư luận thế giới đang hướng sự chú ý tới Afghanistan, nơi Washington khai hỏa cuộc chiến chống khủng bố cách đây 10 năm.

Cuộc chiến do Mỹ và đồng minh phát động ngay sau sự kiện 11-9 đã nhanh chóng lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan; một chính phủ mới thân Mỹ và phương Tây đã được thành lập sau đó. Tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda với đầu não tại các vùng núi của quốc gia Nam Á này đã bị phá vỡ. Thủ lĩnh cao nhất của al-Qaeda Osama bin Laden - kẻ thù số 1 của nước Mỹ - cũng đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, sau 10 năm, bất chấp tiền của và vũ khí tối tân… mà các cường quốc đổ vào mảnh đất này, các nhóm khủng bố ảnh hưởng bởi al-Qaeda và đặc biệt là tàn quân Taliban vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, đã và đang gây vết thương nhức nhối ngay trong lòng đất nước này.

Những vụ đánh bom khủng bố luôn là nỗi ám ảnh với người dân Afghanistan.

Sự kiện gây chấn động vừa xảy ra được xem là một bằng chứng về sự hiện diện của các tay súng khủng bố, dự báo về những khó khăn đang tới với Afghanistan. Ngày 13-9, một nhóm các tay súng đã bắn nhiều loạt rocket về hướng tòa Đại sứ quán Mỹ và Tổng hành dinh của Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) tại thủ đô Kabul của Afghanistan. Cùng thời điểm, các cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ và trụ sở ISAF cũng đã diễn ra. Những kẻ khủng bố đã tấn công cùng lúc hai địa điểm tại khu vực phía Tây thủ đô Kabul. Đợt tấn công chỉ được dập tắt sau 19 giờ giao tranh ác liệt và Taliban đã lên tiếng nhận trách nhiệm tiến hành vụ tấn công này. Phát ngôn viên của Taliban, Zabiullah Mujahid, cho biết các tay súng Taliban đã thực hiện cuộc tấn công liều chết nhằm vào các cơ sở tình báo trong nước và của nước ngoài tại Kabul. Trước đó, nhằm đúng thời điểm cả thế giới tưởng niệm 10 năm vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ, tàn quân Taliban đã đánh bom một căn cứ quân sự của ISAF do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu tại trung tâm tỉnh Wardak, miền Trung Afghanistan, làm gần 90 người bị thương, trong đó có 50 lính Mỹ. Tối 10-9, năm người đã thiệt mạng khi chiếc xe cán phải thiết bị nổ tự chế (IED) ở tỉnh Kunduz, miền Bắc nước này. Cùng ngày, một vụ việc tương tự đã xảy ra tại tỉnh miền Đông Paktika, làm 6 dân thường thiệt mạng...

Lo ngại sự lây lan của các nhóm khủng bố, quốc gia láng giềng Pakistan ngày 13-9 đã triển khai lực lượng quân đội chính quy dọc biên giới với Afghanistan. Người phát ngôn quân đội Pakistan, Thiếu tướng Athar Abbas nêu rõ, quân chính quy đã được triển khai dọc biên giới ở các khu vực Chitral, Lower Dir và Upper Dir, bởi nơi đây thường xuyên bị các tay súng phiến quân có cơ sở bên trong lãnh thổ Afghanistan quấy nhiễu.

10 năm sau cuộc chinh phạt mở ra cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu, Taliban vẫn là một thách thức gây đổ máu và luôn là vấn đề nan giải với cả Washington lẫn Kabul. Chiến trường sỏi đá này đã trở thành gánh nặng và gây áp lực lớn lên chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay trong mùa tranh cử. Cùng với đó là gánh nặng tài chính cho cỗ máy chiến tranh khổng lồ. Thoái lui trước khi bị sa lầy để giành sự ủng hộ của cử tri đã được Nhà Trắng lựa chọn là hết sức rõ ràng. Đúng như kế hoạch, trong tháng 7 vừa qua, binh sĩ Mỹ đã bắt đầu rút khỏi chiến trường và từng bước chuyển giao nhiệm vụ đảm trách an ninh cho phía Afghanistan đến năm 2014, cùng thời điểm với việc NATO hoàn tất quá trình chuyển giao nhiệm vụ gìn giữ an ninh cho lực lượng vũ trang Afghanistan. Trấn an trước cuộc lui binh đang diễn ra, Washington và các đồng minh phương Tây đều khẳng định, lực lượng an ninh của chính quyền Tổng thống Afghanistan H.Karzai đã có thể tự đảm đương được nhiệm vụ. Thế nhưng, các vụ tấn công khủng bố trực diện như vừa diễn ra đang ngày một tăng tại quốc gia này lại là câu trả lời cho một sự thật khác.

Một Afghanistan phải tự gánh vác trách nhiệm an ninh, một cuộc chiến khủng bố dang dở đang được khẳng định. Trong bối cảnh hiện nay, xem ra Kabul khó có thể tự đối phó hiệu quả với thách thức của chủ nghĩa khủng bố ngay tại nơi nó từng bị Mỹ và đồng minh tấn công và triệt hạ. Sự xuất hiện trở lại và ngày một loang rộng của tàn quân Taliban cũng như các nhóm khủng bố tại đất nước này với các vụ tấn công đẫm máu cho thấy rõ một vết thương không dễ lành thời hậu chiến tại quốc gia Nam Á này.

Trung Hiếu