Không thể chạy theo phong trào

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 16/09/2011

(HNM) -


Chuyện thứ nhất: Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng đang vào giai đoạn nước rút. Xem các loại thông báo, các chiêu thức để hút sinh viên theo học tại cơ sở đào tạo mà không ít trường đại học dân lập đưa ra, mới thấy sinh viên bây giờ có giá thật.

Không kể số thí sinh dự thi vào những trường thuộc loại top ten mà sức học nếu ở dạng trung bình khá chắc không bao giờ dám mơ, thì ở nhiều trường khác việc tuyển cho đủ các loại nguyện vọng đôi khi lại là giấc mơ của chính ban lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học này. Cũng có lẽ vì thế, lượng thí sinh dự thi vào các trường ngày một đông, và bởi vậy chất lượng đang là đề tài để các nhà giáo chân chính day dứt. Học tập để nâng cao tri thức và có khả năng lao động tốt hơn là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người. Một xã hội tiến bộ cũng chính là một xã hội coi trọng việc học tập. Nhưng, sự phát triển quá nóng, nếu không muốn nói là ồ ạt theo kiểu phong trào để làm sao mỗi tỉnh, mỗi ngành phải có bằng được một trường đại học, cao đẳng xem ra lại là điều chưa hợp lý. Vì thế, ngay cả chính bộ chủ quản cũng đang cân nhắc phương án xóa bớt những trường mà qua đến vài ba mùa tuyển sinh có lấy đến nguyện vọng 4 cũng không đủ số sinh viên dự kiến cho từng ngành học.

Chuyện thứ hai liên quan đến hệ thống tài chính ngân hàng. Cũng mấy năm gần đây, sau cú phát triển thần tốc của các trung tâm chứng khoán, để rồi có trung tâm chạy được quyết định thành lập, chưa kịp khai trương đã lặng lẽ rút lui không kèn không trống, vì các nhà đầu tư nhận ra rằng: Mảnh đất này lành ít dữ nhiều.

Cứ tưởng chứng khoán đổ vỡ là do các nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm. Ai dè, đến ngân hàng, lĩnh vực được coi là không hiếm chuyên gia, ấy vậy mà nhiều lúc Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính đã phải choáng váng với hoạt động của không ít ngân hàng thương mại cổ phần, nên thấy nếu cứ để chúng tồn tại kiểu này không khéo sẽ gây khó cho cả hệ thống. Vì thế, bản kiến nghị "cắt giảm 15-20% số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần bằng việc sáp nhập, hợp nhất, giải thể và quốc hữu hóa thông qua việc các ngân hàng cổ phần nhà nước thâu tóm" chính là một tiếng nói dũng cảm vừa góp phần làm lành mạnh hệ thống tài chính quốc gia, vừa lập lại trật tự trong hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng.

Tiếng nói ấy dẫu cũng có muộn, thậm chí không muốn nói sẽ động chạm đến không ít quyền lợi của những nhóm lợi ích. Nhưng, chính thực tế hoạt động của hàng loạt các ngân hàng này đang góp phần không nhỏ làm khó hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó không thể không tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế.

Những bài học đã quá rõ. Chỉ có điều, chưa biết đến bao giờ các nhà hoạch định chính sách mới đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết một cách triệt để tình trạng phát triển theo kiểu phong trào thế này.

Nguyễn Hòa Bình