Nghị quyết 26 giúp phát triển toàn diện nông nghiệp
Chính trị - Ngày đăng : 20:43, 15/09/2011
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Ngày 15/9, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Nghị quyết số 26-NQ/TW là một nghị quyết quan trọng, đã đề ra các quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp toàn diện, cơ bản cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở Việt Nam.
Tổng Bí thư đánh giá, mặc dù mới triển khai được 3 năm, nhưng với sự đồng tâm nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, sự ráo riết quyết liệt chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đã mang lại những kết quả quan trọng.
Sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và toàn diện, mặc dù dân số tăng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm, nhưng Việt Nam vẫn bảo đảm được an ninh lương thực và xuất khẩu ngày càng tăng. Nông dân phấn khởi vì được mùa, được giá; đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng được cải thiện. Xây dựng nông thôn mới đang trở thành phong trào sôi nổi trong cả nước.
Tỷ trọng nông nghiệp tuy giảm, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, nông nghiệp càng khẳng định được vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội đất nước.
Đánh giá cao những kết quả bước đầu đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, đồng thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các nội dung quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra.
Muốn vậy, Tổng Bí thư yêu cầu phải có sự chỉ đạo ráo riết, quyết liệt các cấp ủy Đảng; tăng cường quản lý của Nhà nước; sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể bằng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực; sự hưởng ứng tích cực và chủ động sáng tạo của người dân với những cách làm hay, mô hình sản xuất hiệu quả.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về tiềm năng thế mạnh và triển vọng phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, trong đó người nông dân cần phát huy vai trò chủ lực.
Các chương trình, kế hoạch, đề án đã đề ra, cần được tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành; những nội dung chưa hợp lý cần phải được điều chỉnh; đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện, sơ kết, tổng kết để nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về cơ chế chính sách, tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam không ngừng phát triển.
Việc nâng cao vai trò chủ thể của người nông dân không chỉ là đơn thuần là cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con, mà đây còn là vấn đề mang tính chiến lược, nhằm xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trước mắt phải tập trung vào những việc cần làm để không ngừng cải thiện đời sống mọi mặt của người nông dân và tăng cường phát huy dân chủ.
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, phải làm tốt công tác quy hoạch đất đai, trước hết quy hoạch ở tầm vĩ mô, trên cơ sở đó quản lý, sử dụng đất đai theo đúng quy hoạch; xác định cơ cấu kinh tế nông nghiệp hợp lý, trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh ở từng địa phương; thực hiện xã hội hóa để thu hút các nguồn lực theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, bố trí đầu tư có trọng tâm trọng điểm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư.
Về xây dựng nông thôn mới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi..., cần chú ý phát triển hạ tầng xã hội: trường học, trạm xá, bảo vệ môi trường sinh thái..., bảo đảm sự phát triển toàn diện và bền vững của nông thôn Việt Nam.
Tổng Bí thư nhắc nhở, việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra, cần phải được thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, với quyết tâm và nỗ lực cao, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết trong 3 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế-xã hội đất nước.
Tỷ lệ tăng trưởng nông nghiệp tăng đáng kể cả về năng suất, sản lượng và giá trị, dự kiến năm nay tổng sản lượng lương thực đạt hơn 41 triệu tấn; riêng 8 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu các loại nông, lâm, thủy sản đạt 16 tỷ USD. Về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tổng năng lực tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng; đã mở mới, nâng cấp hàng chục ngàn km đường giao thông nông thôn; nâng số xã được sử dụng điện lưới lên 97,8%, số hộ được sử dụng điện lưới đạt 95,4%; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin về cơ bản đã phát triển đến các xã vùng sâu, vùng xa.
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn 9,45%, hộ nghèo nông thôn còn 11,3% theo tiêu chí cũ; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng lên 83%; mạng lưới trường, lớp học ở vùng nông thôn vẫn tiếp tục phát triển; hệ thống các trạm y tế trên cả nước cũng được tăng cường cả về số lượng và bổ sung cán bộ y tế.
Kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển mạnh, kinh tế hợp tác có những chuyển biến tích cực, đến nay cả nước có hơn 135 ngàn trang trại, mỗi năm có gần 4000 tổ hợp tác mới ra đời. Tổng vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn 3 năm qua đạt gần 290.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 52% tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước.
Tuy vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết việc triển khai Nghị quyết chưa đồng bộ, quyết liệt, kết quả đạt được còn hạn chế so với yêu cầu, chậm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên thực tế. Nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp và người dân chưa đúng, chưa đầy đủ. Việc triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách đã ban hành chưa thực sự quyết liệt, còn lúng túng, thiếu đồng bộ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn, hoặc do thiếu nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực tương ứng, thiếu kiểm tra đôn đốc thực hiện. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tuy được tăng cao hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh cùng đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đều đánh giá cao tầm quan trọng chiến lược của nông nghiệp, nông thôn, nông dân đối với sự phát triển bền vững của đất nước; khẳng định quan điểm: phát triển nông nghiệp toàn diện là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản và nông dân đóng vai trò chủ thể; đồng thời tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc khó khăn cần tháo gỡ, cũng như đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW trong giai đoạn tới.
Nhiều vấn đề nổi lên từ thực tiễn đã được tập trung phân tích, thảo luận như quy hoạch sử dụng đất đai, tích tụ ruộng đất, tăng cường liên kết nhằm phân phối lợi ích hài hòa, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh, tạo đầu ra cho nông sản hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, xây dựng, hoàn thiện và bảo đảm thực thi các cơ chế chính sách phù hợp, việc huy động các nguồn lực đầu tư, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhận thức, hiểu biết mọi mặt, tạo các điều kiện cần thiết để người nông dân phát huy vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các chính sách an sinh-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh mà hạt nhân là các tổ chức cơ sở Đảng.../.