Hỗ trợ vốn, giúp thanh niên khởi nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 15/09/2011

(HNM) - Năm 2010, Thành đoàn Hà Nội đã khảo sát tình trạng vốn vay và nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất trong thanh niên nông thôn các huyện ngoại thành.


Trước yêu cầu thực tế, hàng nghìn hộ gia đình thanh niên đều có nguyện vọng vay vốn, Thành đoàn Hà Nội đã báo cáo và đề xuất với UBND TP Hà Nội phân bổ vốn vay giải quyết việc làm cho thanh niên và đã được duyệt hỗ trợ cho vay 10 tỷ đồng. Đầu năm 2011, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội đã giải ngân 5 tỷ đồng cho 25 dự án của 21 quận, huyện, thị xã .


Xưởng may của Lê Văn Sĩ (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) thu hút nhiều lao động địa phương.

Theo Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Bạch Liên Hương, số vốn này bổ sung đáng kể vào tổng dư nợ của tổ chức Đoàn thanh niên (hơn 14 tỷ đồng vốn giải quyết việc làm), giải quyết kịp thời các dự án vay của thanh niên các quận, huyện. Đầu tháng 9-2011, nhằm đánh giá hiệu quả nguồn vốn vay để tiếp tục đề nghị UBND TP Hà Nội giải ngân tiếp 5 tỷ đồng cho các dự án đang chờ vay, Thành đoàn Hà Nội đã thành lập tổ công tác khảo sát tình hình sử dụng vốn vay tại 5 huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thường Tín, Sóc Sơn và Mê Linh. Qua khảo sát cho thấy, các hộ vay đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, cải thiện đáng kể đời sống của chủ dự án và lao động trẻ ở địa phương. Điển hình là mô hình nuôi bò sinh sản của thanh niên Nguyễn Xuân Thọ (Sóc Sơn). Sinh ra trên quê nghèo Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), Nguyễn Xuân Thọ cũng như phần lớn thanh niên trong xã đều rất trăn trở, đất quê rộng, nhưng chỉ có thể trồng sắn, trồng chè, thu nhập rất thấp; đất chăn thả rộng nhưng thiếu tiền mua con giống, nhiều thanh niên đành phải đi nơi khác tìm việc. Biết tin được vay vốn ưu đãi của TP Hà Nội, Thọ đã mạnh dạn tập hợp anh em, lập dự án chăn nuôi bò sinh sản. Với số tiền 20 triệu đồng được vay, Thọ mua 3 con bò giống, số còn lại anh đầu tư tu sửa chuồng trại. Với 3 con bò giống này, dự tính 6 tháng sau sẽ thu lãi hơn 10 triệu đồng. Không chỉ nuôi bò, Thọ còn tận dụng phân bò để nuôi cá, trồng chuối và chè tăng thu nhập.

Tốt nghiệp Cao đẳng Công nghiệp dệt may Hà Nội, Lê Văn Sĩ, đoàn viên thôn Phú Hữu, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, trở về quê lập nghiệp. Với kiến thức học ở trường và mấy năm kinh nghiệm đi chào hàng và làm thêm thời sinh viên, Sĩ mạnh dạn đầu tư mua một số máy móc và thuê nhân công, gia công đồ may mặc cho một số hãng thời trang. Nhưng do thiếu vốn nên dự án đã ngừng hoạt động. Tháng 6-2011, Sĩ được vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm qua kênh của Thành đoàn Hà Nội, Sĩ đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua thêm máy móc và tuyển thêm công nhân. Hiện nay, Lê Văn Sĩ đã là ông chủ của Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Phương Nam chuyên gia công, mua bán hàng may mặc và các sản phẩm dệt may. Hiện tại, cơ sở may mặc của Sĩ có diện tích 500m2 nhà xưởng, 40 công nhân làm việc với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Không chỉ giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên ở địa phương, Sĩ còn kết hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Mê Linh nhận người khuyết tật về đào tạo nghề. Hiện nay, có 2 em khuyết tật được nhận làm việc tại xưởng với mức lương 2,7 đến 3 triệu đồng/ tháng và còn được hỗ trợ ăn ngủ.

Theo số liệu báo cáo, hiện nay số dư nợ vốn vay ưu đãi qua Thành đoàn Hà Nội là gần 90 tỷ đồng gồm cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên, xuất khẩu lao động, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường… Trong đó, nguồn vay giải quyết việc làm qua kênh 120 của TƯ Đoàn và Quỹ giải quyết việc làm TP Hà Nội mới được hơn 14 tỷ đồng. Nguồn vốn trên so với các đoàn thể khác vẫn còn quá khiêm tốn, bởi khi xét duyệt cho vay, người vay nếu là hộ độc lập thì phải là hộ nghèo, nếu trường hợp chưa tách hộ thì không được chồng kênh (nghĩa là bố mẹ người đó chưa đứng tên vay ở các tổ chức khác). Một nguyên nhân khác nữa, đó là tâm lý thanh niên cứ muốn làm ăn lớn ngay, số vốn vay phải vài trăm triệu, còn vay nhóm hộ từ 20 triệu đồng trở xuống không đủ cho họ làm ăn nên không vay.

Nguyễn Anh Vũ, chủ cơ sở dệt xã Phùng Xá (Mỹ Đức) cho biết, đối với các chủ trang trại lớn, nuôi cả trăm con lợn, vài chục con bò thì 20 triệu đồng chẳng thấm tháp gì; nhưng ở các hộ thanh niên làng nghề như thêu, may, dệt, điêu khắc… thì số vốn đó cũng giải quyết được khối việc, thu nhận thêm 1 đến 3 lao động. Theo thông tin từ Ban thanh niên nông thôn Thành đoàn Hà Nội, hiện vẫn còn gần 100 dự án của thanh niên các huyện vẫn còn "xếp hàng" để vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó đa số thanh niên ở các làng nghề truyền thống.

Có thể nói, vốn vay ưu đãi đã, đang và sẽ rất cần thiết đối với thanh niên nông thôn. Có vốn, thanh niên nông thôn sẽ tìm cách làm giàu, nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi ngành nghề ngay tại quê hương mình thay vì phải đi làm ăn ở nơi khác. Tuy nhiên, chính sách cho vay vốn đối với thanh niên nông thôn chưa thật sự rộng mở cả về nguồn vốn lẫn hình thức cho vay. Mặt khác, có lẽ một phần cũng còn do các dự án của thanh niên chưa thật sự tạo được niềm tin từ phía ngân hàng…

Vũ Thủy