Bóng đá VN sau mùa giải 2011: Chẩn bệnh và trị bệnh

Thể thao - Ngày đăng : 07:10, 15/09/2011

(HNM) - Phát biểu của Chủ tịch CLB Hà Nội ACB, ông Nguyễn Đức Kiên tại hội nghị tổng kết mùa giải bóng đá 2011 đã chỉ đúng và trúng một số tồn tại của bóng đá Việt Nam trong suốt 10 năm qua.


Super Liga hay là lối nói về bóng đá sạch


Các CĐV Việt Nam luôn mong muốn được chứng kiến những trận đấu sạch, không có “mùi” tiêu cực. Ảnh: Như Ý

Ông bầu của CLB Hà Nội ACB Nguyễn Đức Kiên phát biểu tất cả những gì kìm nén bấy lâu. Những câu từ không được chuẩn bị chu đáo, ông nói vo nhưng thể hiện đúng bản chất vấn đề và đã nhận được sự chia sẻ từ dư luận, đặc biệt là từ phía cổ động viên. Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều diễn đàn bóng đá, đông đảo người hâm mộ đã lên tiếng chỉ trích cách làm việc còn lề mề, quan liêu và trì trệ của cấp quản lý, điều hành bóng đá Việt Nam. Trong một cuộc thăm dò dư luận trên một tờ báo điện tử hàng đầu, có đến 97% ý kiến độc giả được hỏi (hơn 24.800 người) đồng tình với những phát biểu của ông Nguyễn Đức Kiên.

Ông Nguyễn Đức Kiên nói rằng, trước khi ông lên phát biểu, đã có 4 ông bầu gửi gắm tâm tư, bức xúc của mình để nhờ ông nói giúp. Thế nên, không thể coi phát biểu của ông là sự bốc đồng nhất thời của một ông bầu đang tìm chỗ đổ lỗi cho việc đội bóng của mình phải xuống hạng. Đó không đơn thuần là ý kiến cá nhân như lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam (VFF) nhận định, mà rất gần với tiếng nói của một bộ phận người có tiềm lực kinh tế đang đầu tư vào bóng đá, vốn đang thất vọng với những gì diễn ra quanh bóng đá Việt Nam. Những phát biểu ủng hộ ông Nguyễn Đức Kiên từ phía Chủ tịch CLB Hoàng Anh - Gia Lai Đoàn Nguyên Đức, ông bầu Võ Quốc Thắng của CLB Đồng Tâm - Long An, ông bầu Hoàng Mạnh Trường (V.Ninh Bình)… sau đó đã cho thấy điều này.

Trong bóng đá Việt Nam, khi mà nguồn tiền kiếm được chỉ chiếm khoảng 10-20% so với các khoản chi, rõ ràng vai trò của các doanh nghiệp là rất lớn. Có thể khẳng định, nếu không có họ, sẽ khó có bóng đá chuyên nghiệp một cách đầy đủ. Tức là nếu VFF không biết trân trọng tiếng nói từ các CLB và tìm ra cách tạo sân chơi sòng phẳng, công bằng, sẽ đến lúc các doanh nghiệp ngoảnh mặt với bóng đá.

Ông Nguyễn Đức Kiên đưa ra thông tin có 6-7 ông bầu sẵn sàng từ bỏ V.League để tham gia giải đấu mới mang tên Super Liga. Đó có lẽ không phải là mong mỏi thực sự của những người đưa ra "sáng kiến" bởi Super Liga là phương án tồi, bởi ai mà chẳng muốn góp mặt ở một giải đấu chính thống, từ lâu được sự thừa nhận như V.League. Hơn nữa, quy định hiện hành của FIFA ngăn chặn khả năng tổ chức này (hoặc các tổ chức thành viên) bị cạnh tranh bởi những giải đấu tương tự. Theo đó, tất cả những giải đấu tổ chức không được phép của LĐBĐ quốc gia sở tại sẽ không được công nhận kết quả, đội vô địch không được đá cúp châu lục, thậm chí cầu thủ tham dự giải đấu sẽ bị cấm làm nhiệm vụ ở ĐTQG. Tức là, các rào cản đối với một giải đấu "trong mơ" như Super Liga là rất lớn. Ẩn sau câu nói tỏ ý "ly khai" của họ là ước mong được hoạt động trong một môi trường bóng đá sạch sẽ, minh bạch. Đó chắc chắn cũng là niềm mong mỏi của số đông người hâm mộ. Chứng kiến những trận đấu như diễn tuồng, CĐV chân chính thực sự bị xúc phạm.

Trong bối cảnh hiện nay, việc loại trừ hoàn toàn tiêu cực trong bóng đá là điều khó có thể thực hiện được ngay. Nhưng ít nhất, với ý kiến đề cập tới viễn cảnh Super Liga và sự ủng hộ mà nhiều người hâm mộ dành cho nó, có thể yên tâm là còn nhiều người chung chí hướng vươn tới một nền bóng đá sạch.

VFF đổi mới ra sao?

Sau những đóng góp của ông Nguyễn Đức Kiên và sự chỉ trích từ dư luận, đã rất nhiều lần các quan chức VFF đăng đàn khẳng định sẽ tiếp thu những ý kiến xác đáng. Nhưng việc VFF có thực sự cầu thị hay không thì thời gian mới có thể trả lời.

Việc VFF cho tiến hành điều tra vụ gợi ý lãnh đạo CLB HP.HN chi 500 triệu đồng cho trọng tài trước trận ĐT.LA - HP.HN là một động thái tích cực, nhưng chưa hẳn là đầy đủ. Thậm chí, có ý kiến vội vã cho rằng VFF nhận thấy vụ này khó đi đến đích, nên đã cố tình làm để lấy đó làm bằng chứng khẳng định giải không có tiêu cực hoặc trọng tài không tiêu cực đến mức như dư luận đã nêu (?).

Trước mắt, tin là VFF sẽ nỗ lực cải tổ mạnh mẽ trong thời gian tới, thông qua ý định xem xét một cách nghiêm túc chiếc ghế Trưởng BTC giải lẫn vị trí đứng đầu Hội đồng Trọng tài quốc gia. Mặt khác, có nhiều ý kiến cho rằng, phải bắt đầu tính chuyên nghiệp ngay từ đội ngũ lãnh đạo của VFF. Chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng thừa nhận: "Bóng đá Việt Nam phát triển quá nóng mà đội ngũ quản lý lại chưa theo kịp".

Gốc rễ vấn đề chính ở chỗ đó và chỉ khi cải tổ mạnh mẽ bộ máy VFF, bóng đá Việt Nam mới có thể khởi sắc.


Ông Đoàn Nguyên Đức (HA.GL):

"Những gì bầu Kiên nói đúng tuyệt đối. Những năm trước tôi cũng nói mạnh lắm, nhưng gần đây không nói nữa, vì nói cũng chẳng thay đổi được gì. Vấn đề của VFF thì ai cũng biết, nhưng thay đổi như thế nào mới là vấn đề".



Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế:
"Từ cấp trưởng phòng trở lên ở VFF, không mấy ai từng được đào tạo để đá bóng, không có chuyên môn sâu về bóng đá thì không thể hiểu được bản chất cốt lõi của vấn đề để có những quyết sách đúng. Thế nên sai sót đã, đang và rất dễ tiếp tục xảy ra".

Vinh Phương