Giải pháp tránh “vòng tròn luẩn quẩn”

Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 15/09/2011

(HNM) - Qua báo cáo 8 tháng đầu năm của các khu công nghiệp, khu chế xuất, Ban Công đoàn doanh nghiệp trình lên Tổng LĐLĐ Việt Nam thì tình trạng mất việc làm của người LĐ đang ngày càng gia tăng và lan rộng.

Nguyên nhân có nhiều nhưng nặng nề nhất chính là việc giá cả tăng chóng mặt ngoài thị trường, lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều công trình, dự án phải đình hoãn theo chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Nhiều LĐ luôn làm việc trong tình trạng cầm chừng, luôn trong tâm lý sẽ nghỉ việc, chuyển việc khác hoặc trở về quê bất cứ lúc nào do lương thấp, chi phí sinh hoạt ở các thành phố đắt đỏ. Vì vậy, các doanh nghiệp khu vực này đang đối mặt với nguy cơ thiếu LĐ.

Nhiều chuyên gia dự báo, việc tăng lương cơ bản sẽ khiến doanh nghiệp bị kéo theo các chi phí khác, cầu LĐ sẽ giảm. Và nguy cơ sau khi tìm được cách bảo đảm cuộc sống cho người LĐ thì lại phải đi tìm lời giải cho "bài toán" thất nghiệp. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong tháng 8, trên địa bàn cả nước xảy ra 61 cuộc tranh chấp LĐ và ngừng việc tập thể, nâng tổng số lên 799 cuộc tranh chấp từ đầu năm đến nay. Các lý do người LĐ đưa ra là chủ doanh nghiệp vi phạm Luật LĐ, tiền lương, thu nhập quá thấp, chất lượng bữa ăn ca chưa đạt tiêu chuẩn… Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, khi lạm phát cao, giá cả tăng cao thì người LĐ gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã có chủ trương điều chỉnh lương tối thiểu để bảo đảm mức sống cho người LĐ. Tuy nhiên, mức lương mà Bộ đề xuất so với nhu cầu thực tế còn khiêm tốn, nó chỉ dừng lại ở góc độ chia sẻ khó khăn chung của doanh nghiệp và người LĐ. Nếu điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng cao quá sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và việc làm của người LĐ. Doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc thu hẹp sản xuất và cắt giảm LĐ, gây thất nghiệp.

Số liệu của Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường LĐ năm 2011 cho thấy có 10 nghề khó tuyển LĐ nhất năm 2011 là: thuộc da và đóng giày; thợ may, dệt; thợ vận hành máy sản xuất ra các sản phẩm dệt may, da và lông vũ; nhà máy SX kính, đồ sứ và các thiết bị liên quan; đồ thủ công mỹ nghệ từ gỗ, dệt, vật liệu làm bằng sợi, da và các vật liệu liên quan khác. Khảo sát cho thấy có tới 26% DN được hỏi cho biết họ gặp khó khăn khi tuyển dụng và rất khó khăn trong tìm kiếm LĐ có kỹ năng nghề nghiệp. Trung tâm này cũng cho biết tuyển dụng vị trí quản lý gặp khó khăn nhất. Nguyên nhân chính được đưa ra là các trở ngại về tiền lương, tiền công.

Thực tế, thị trường LĐ Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi sự mất cân đối về cung - cầu LĐ. Và câu chuyện này sẽ vẫn không có lối thoát khi vòng tròn tăng lương - tăng giá - tăng thất nghiệp - mất cân đối cung cầu vẫn luẩn quẩn. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, một trong những giải pháp cần đẩy mạnh để thoát khỏi vòng luẩn quẩn nêu trên là phát triển hệ thống thông tin thị trường LĐ để điều phối cung - cầu LĐ. Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm, đa dạng hóa các hoạt động sàn giao dịch việc làm để tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho mọi người. Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết, trong tháng 9 sẽ tiếp tục giám sát tình hình việc làm, thu nhập; tăng cường các biện pháp chăm lo đời sống công nhân, viên chức, LĐ, đặc biệt là công nhân, LĐ đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đồng thời, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật LĐ, Luật Công đoàn tại các doanh nghiệp.

Kim Vũ