Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 09:40, 14/09/2011

Trao đổi với phóng viên chiều 13/9, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa khẳng định, Hàn Quốc chỉ hủy kế hoạch tổ chức kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ tiếng Hàn dành cho lao động Việt Nam dự kiến tổ chức vào ngày 7/8 vừa qua, việc tuyển dụng lao động Việt Nam sang Hàn Quốc vẫn bình thường.



Dừng tuyển nếu không giải quyết vấn đề bỏ trốn

Kể từ khi thực hiện chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) từ năm 2004 tới nay, 62.971 lao động Việt Nam đã đi làm việc tại Hàn Quốc. Đa số người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo. Chính vì vậy, số lượng người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động lựa chọn luôn dẫn đầu so với lao động của 14 quốc gia phái cử.

Lao động đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn sẵn sàng ký bản cam kết về nước đúng thời hạn (lớp học tiếng Hàn tại Hà Tĩnh) - Ảnh minh họa


Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng người lao động nước ngoài, nhất là lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc gia tăng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam nói chung và quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã cân nhắc đến biện pháp hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam. Nếu tình trạng trên trở nên nghiêm trọng hơn thì phía Hàn Quốc có thể áp dụng biện pháp dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang Hàn Quốc.

Đại diện cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại nước này. Hiện, Cảnh sát tư pháp của Hàn Quốc tăng cường tổ chức các lực lượng để truy quét gắt gao lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc áp dụng hình thức xử phạt đối với chủ sử dụng lao động bất hợp pháp. Các chủ sử dụng này sẽ bị phạt tiền tối đa 20.000 USD, bị cấm vĩnh viễn không được sử dụng lao động nước ngoài hoặc có thể bị cấm hoạt động.

Người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng. Trong trường hợp người lao động không nộp phạt thì sẽ bị buộc phải cải tạo lao động để đủ tiền nộp phạt. Những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ không bao giờ được quay trở lại nước này làm việc.

Với những quy định mới của Chính phủ Hàn Quốc, lao động bỏ trốn ra ngoài sẽ không thể tìm được việc làm có thu nhập hấp dẫn như trước mà ngược lại họ rất dễ gặp rủi ro, thu nhập không đảm bảo và việc làm không ổn định.

Nỗ lực để người lao động tiếp tục được xuất cảnh

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết, trước tình trạng người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng gia tăng, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án ngăn ngừa tình trạng này.

Đề án đã đưa ra một số giải pháp như thay đổi cách thức tuyển chọn lao động trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp, phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình động viên người lao động về nước, xử phạt các trường hợp cư trú bất hợp pháp, áp dụng biện pháp hạn chế tuyển chọn người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc từ các xã/phường có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao, áp dụng hình thức đặt cọc hoặc bảo lãnh để chống bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ người lao động về nước như kết nối việc làm cho người lao động đã hoàn thành hợp đồng về nước với các chủ sử dụng lao động đặc biệt là các công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, phối hợp tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho người lao động sau khi về nước… cũng được triển khai.

Trong 3 ngày 7-9/9 vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tọa đàm nhằm tuyên truyền về các giải pháp ngăn ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp và chuyển nơi làm việc vì lý do không chính đáng của lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc tại Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An.

Các gia đình có người thân đang làm việc tại Hàn Quốc đều cho biết, kinh tế gia đình họ đã được cải thiện nhiều nhờ chương trình EPS. Những người dân có con em đang làm việc tại Hàn Quốc và sắp hết hạn hợp đồng hứa sẽ động viên con em mình về nước đúng hạn để tạo cơ hội đi làm việc tại nước này cho những lao động khác đang chờ đợi ở Việt Nam cũng như để tìm kiếm những có hội mới khi về nước.

Những lao động đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn và đang đợi được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn cũng cho biết, họ sẵn sàng hợp tác với chính quyền xã để ký bản cam kết về nước đúng thời hạn nếu được đi làm việc tại Hàn Quốc.

Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước Phan Văn Minh cho biết, tuần vừa qua, đã có 49 lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn và Trung tâm lao động ngoài nước đã thông báo để tiến hành khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh. Theo kế hoạch thì trong hai ngày 19/9 và 26/9 cũng sẽ có 2 chuyến bay chở lao động Việt Nam sang Hàn Quốc. Trong đó, chuyến ngày 19/9 sẽ có 120 lao động xuất cảnh.

Như vậy, số lao động đã có hồ sơ dự tuyển trên mạng, đã thi tiếng Hàn trong các đợt của năm 2010 thì vẫn tiếp tục được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Khi lao động được chọn, Trung tâm lao động ngoài nước sẽ tiến hành làm các thủ tục cần thiết cho lao động xuất cảnh.

Theo VGPNEWS