Nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng - an ninh
Chính trị - Ngày đăng : 06:54, 14/09/2011
Sự hưởng ứng tích cực, chủ động từ các cấp, các ngành góp phần quan trọng tạo thế và lực cho công tác QP-AN, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh. Bên cạnh việc vào cuộc tích cực của từng địa phương, các ngành, đoàn thể chính trị xã hội theo chức năng của mình cũng sáng tạo, đa dạng hóa hình thức GDQP-AN, tạo chuyển biến đồng bộ. Trong đó, tiêu biểu là TƯ Đoàn tổ chức, nhân rộng mô hình lớp "Học kỳ quân đội". Bí thư TƯ Đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: "Khởi điểm từ năm 2008 với số học viên ban đầu là 80 người, đến nay 44/63 tỉnh, TP đã tổ chức "Học kỳ quân đội" thu hút trên 12 nghìn học sinh tham gia. Qua 4 năm hoạt động, mô hình này đã thực sự có hiệu quả trong công tác GDQP-AN, góp phần rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng sống cho thanh niên, học sinh trong tình hình mới". Đáng chú ý là "Học kỳ quân đội" đã và đang được xã hội hóa với sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp, sự tự nguyện của gia đình. Mô hình này sẽ được TƯ Đoàn và các đơn vị chức năng của quân đội tiếp tục nghiên cứu nhân rộng, cùng với đó bổ sung dưới hình thức mới là "Học kỳ trên biển"…
Sau 10 năm thực hiện công tác GDQP-AN (2001-2010), toàn quốc đã có gần 3 triệu người (thuộc đối tượng 1 đến đối tượng 5) được bồi dưỡng kiến thức QP-AN, đạt gần 86,9%. Ngoài các đối tượng theo quy định, việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN còn được mở rộng đến các đối tượng khác như chức sắc, chức việc tôn giáo, văn nghệ sỹ, trí thức, các nhà khoa học, già làng, trưởng bản… Có được kết quả đó, ngoài sự quan tâm của Hội đồng GDQP-AN của các địa phương còn phải kể đến vai trò của đội ngũ giảng viên, báo cáo viên. Hiện nay, toàn quốc đã đào tạo được 31 nghìn giáo viên môn học GDQP-AN và phấn đấu đến năm 2016 tất cả các trường THPT đến trường nghề có đủ giáo viên chuyên trách. Giáo viên được bổ sung kịp thời nên có hơn 85% số trường THPT tổ chức dạy học theo phân phối chương trình. Ngoài ra, toàn quốc hiện có 32 trung tâm GDQP-AN, huấn luyện, giảng dạy cho 45% sinh viên tuyển mới hằng năm của cả nước. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: "Trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo, bổ sung giáo viên GDQP-AN và sỹ quan biệt phái bởi mặc dù đã có những chuyển biến nhất định nhưng đội ngũ giáo viên GDQP-AN chưa đáp ứng được nhu cầu về quy mô, trình độ chuẩn, nhất là ở các trường dân lập, tư thục".
Công tác GDQP-AN cần phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ vì đẩy mạnh công tác GDQP-AN là góp phần quan trọng xây dựng "thế trận lòng dân" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những kinh nghiệm, kết quả cũng như những kiến nghị từ thực tế triển khai của các ngành, địa phương trong thời gian qua chính là cơ sở để các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDQP-AN trong thời gian tới.