Syria: Can thiệp sâu gây bất ổn lớn

Thế giới - Ngày đăng : 06:37, 14/09/2011

(HNM) - Sức ép của phương Tây lên chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đang ngày một tăng. Trong một động thái mới, dưới sự thúc giục của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), ngày 12-9, Liên hợp quốc đã thành lập một nhóm điều tra về những bất ổn gây chết người tại Syria.

Theo đó, ít nhất 2.600 người đã bị chết trong cuộc cách mạng "đường phố" tại Syria (kể từ khi bùng phát hồi tháng 3-2011). Báo cáo điều tra của nhóm này dự kiến sẽ được công bố vào tháng 11 tới. Cùng ngày, Thụy Sĩ đã mở rộng lệnh trừng phạt với Syria, bổ sung 19 cá nhân và 8 tổ chức của nước này vào danh sách cấm vận về tài chính và nhập cảnh. Trước đó, nhằm phối hợp với các nước lớn lên án hành động sử dụng vũ lực đàn áp thường dân tại Syria, ngày 9-9, Nhật Bản đã quyết định phong tỏa tài sản của ông B.A.Assad cùng một số quan chức. Mỹ, EU cũng đã phong tỏa tài sản của Syria…

Quân đội Syria đã được tăng cường để giữ gìn trật tự.

Dư luận khu vực cho rằng, sự can dự càng sâu vào nội bộ của Syria của một số nước sẽ là tiền đề cổ vũ các hoạt động gây bất ổn càng lớn từ phe đối lập chống chính phủ ở quốc gia Trung Đông này. Bằng chứng mới nhất là ngày 13-9, bạo lực đã bùng phát giữa những người đối lập và lực lượng an ninh của chính phủ tại thị trấn Hama, làm ít nhất 17 người thiệt mạng. Trước đó (ngày 4-9), theo Hãng thông tấn SANA của Syria, "những kẻ khủng bố" có vũ trang đã tấn công xe chở binh sĩ nước này ở thành phố Moharda thuộc miền Trung Syria, làm 9 người thiệt mạng. Làn sóng biểu tình cũng nổ ra ở nhiều nơi nhằm gia tăng sức ép đòi chính phủ đương nhiệm từ chức…

Vấn đề hiện nay là cần tìm giải pháp triệt để nhằm giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng chính trị của Damascus. Sự can thiệp từ bên ngoài phải là nhân tố tích cực để tình hình lắng dịu. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Ngày 10-9, Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL) Nabil Al-Arabi đã lên tiếng nêu rõ sự phản đối của AL trước sự can thiệp của nước ngoài vào quốc gia này. Trên phương diện quốc tế, giữa các nước lớn cũng có những bất đồng khi tiếp cận vấn đề Syria. Với vai trò trung gian hòa giải chính cho cuộc khủng hoảng tại Syria, Nga đã có những nỗ lực của riêng mình. Ngày 12-9, trong cuộc hội đàm cấp cao tại Mátxcơva, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đề nghị Thủ tướng Anh David Cameron giảm bớt sức ép với Chính phủ Syria. Trước đó, Nga đã tẩy chay một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận về việc trừng phạt Syria. Tổng thống Nga nhấn mạnh, bất cứ hành động trừng phạt nào đều phải được áp dụng công bằng đối với cả chính phủ đương nhiệm Syria lẫn phe đối lập. Bởi chính phe đối lập đang bác bỏ các lời kêu gọi đàm phán trực tiếp của Chính phủ Syria. Trong khi đó, Thủ tướng Anh vẫn khẳng định Anh muốn gia tăng sức ép với Syria. Phát biểu sau hội đàm, cả ông Medvedev và ông Cameron đều thừa nhận hai bên còn tồn tại bất đồng trong việc tiếp cận vấn đề Syria.

Cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này rõ ràng đang bị lợi dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Đầu tháng 9 này, truyền hình nhà nước Syria đã phát sóng lời thú tội của các thành viên tổ chức khủng bố và các nhóm vũ trang tại nước này về việc tung những thông tin giả làm gia tăng bất ổn trong nước. Một thành viên tổ chức khủng bố bị bắt giữ tại tỉnh Hama thừa nhận y đã đóng vai nhân chứng và bịa đặt về những thông tin trong các đoạn băng hình về tình hình Syria cho kênh truyền hình Al-Jazeera và cộng tác với các tổ chức nước ngoài để thành lập các nhóm vũ trang trong nước tấn công lực lượng an ninh và quân đội Syria cũng như nhằm vào dân thường. Damascus cũng cáo buộc kênh Al-Jazeera kích động người dân sử dụng vũ khí chống Chính phủ Syria… Dư luận cho rằng khi bị "nội công, ngoại kích" thì cuộc khủng hoảng Syria sẽ ngày càng lún sâu thêm vào khó khăn là không quá khó hiểu.

Hiện tại, cùng với nỗ lực của Nga, AL cũng đã có những bước đi tích cực nhằm giảm tải căng thẳng đang ngày một gia tăng ở quốc gia Trung Đông này. Theo nhiều nguồn tin, AL đang xây dựng gói đề xuất 13 điểm, đề nghị Tổng thống B.A.Assad tổ chức bầu cử Tổng thống vào năm 2014, đồng thời yêu cầu lập tức chấm dứt xung đột trong các cuộc biểu tình nhằm tránh xảy ra một cuộc xung đột tôn giáo tại Syria hay tạo nên lý do để nước ngoài can thiệp, đồng thời kêu gọi ông B.A.Assad tuyên bố các nguyên tắc rõ ràng về những cam kết cải cách mà ông đã thông báo trước đó. Tuy nhiên, đây mới chỉ là hy vọng, thành công hay không còn phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố không dễ vượt.

Trung Hiếu