Phát huy vai trò làm chủ nông thôn mới của nông dân

Chính trị - Ngày đăng : 21:19, 13/09/2011

Để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, trang bị kiến thức cho nông dân, tạo điều kiện để nông dân phát huy vai trò làm chủ của mình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, trang bị kiến thức cho nông dân, tạo điều kiện để nông dân phát huy vai trò làm chủ của mình.

Yêu cầu trên được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra ngày 13/9, trong buổi làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tổng Bí thư khẳng định Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng, tạo động lực mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam phát triển toàn diện và bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là cơ sở vững chắc, lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững... - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần phải được giải quyết đồng bộ, đặt trong mối quan hệ tổng thể của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từng là chủ lực quân cách mạng trước đây và hiện nay chiếm hơn 70% dân số, trên 50% lực lượng lao động toàn xã hội, giai cấp nông dân Việt Nam đã không ngừng phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, trung thành với Đảng, luôn chủ động, sáng tạo và chính là chủ thể của quá trình phát triển, chủ thể thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương các cấp Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam nói chung về những nỗ lực cố gắng, sự chủ động, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu to lớn của nông nghiệp Việt Nam thời gian qua.

Năm nay, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, gây không ít khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, nhưng nông dân vẫn phấn khởi vì được mùa, được giá, sản lượng lương thực dự kiến đạt hơn 40 triệu tấn, dự kiến xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, chưa kể các sản phẩm lâm, ngư nghiệp khác... Phong trào xây dựng nông thôn mới, với những tiêu chí cụ thể phát triển rộng rãi trên toàn quốc. Những kết quả đó cho thấy Nghị quyết 26-NQ/TW đã đi vào thực tế cuộc sống và bước đầu phát huy hiệu quả.

Với truyền thống vẻ vang hơn 80 năm ra đời và phát triển, 2 lần được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng được củng cố, xây dựng và ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp giai cấp nông dân Việt Nam.

Tổng Bí thư hoan nghênh các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia ngay từ quá trình chuẩn bị, cũng như triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW một cách bài bản.

Các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nỗ lực tham gia thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra; cụ thể hóa thành các đề án, chương trình hành động, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, chủ động tham mưu, đề xuất trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nhiều phong trào hoạt động thiết thực do Hội phát động đã được đông đảo hội viên, nông dân hưởng ứng, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng... qua đó huy động sức dân tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Tuy vậy, đây mới là những kết quả bước đầu. Cả nước vẫn còn 62 huyện nghèo, còn nhiều vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân cần phải giải quyết. Quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ đều đã được khẳng định rõ ràng trong Nghị quyết, nhưng các giải pháp thực hiện cần phải được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Tổng Bí thư mong rằng, trong thời kỳ mới, các cấp Hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp nông dân, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án đã đề ra, đi sâu đi sát cơ sở, tháo gỡ các khó khăn, rào cản; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ lệ lao động làm nông nghiệp sẽ ít đi, nhưng năng suất lao động, của cải làm ra, đóng góp cho xã hội ngày càng nhiều lên, đó là bài toán cần có lời giải, bằng những giải pháp hữu hiệu.

Từ thực tế đó, Tổng Bí thư yêu cầu, các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, để Hội thực sự là người bạn của nông dân, là chỗ dựa của Đảng, Nhà nước, là nòng cốt trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành hữu quan và các vị lãnh đạo chủ chốt của Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung thảo luận 4 vấn đề lớn: tình hình nông dân và hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam; những chuyển biến về cơ cấu, số lượng, chất lượng của giai cấp nông dân Việt Nam, trình độ nhận thức, giác ngộ chính trị, những tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi của nông dân trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; các biện pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc đoàn kết, tập hợp giai cấp nông dân; một số vấn đề do Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị, đề xuất.

Đến nay, Hội Nông dân Việt Nam có hệ thống 4 cấp, với trên 10 triệu hội viên ở khắp các xã, phường, thôn, ấp trong cả nước. Sau 3 năm tích cực triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã tạo được chuyển biến rõ nét trong nhận thức trong cán bộ, hội viên, nông dân về quan điểm, chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, về vai trò, nhiệm vụ của tổ chức Hội và hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được được cải thiện, giai cấp nông dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới đất nước.

Từ thực tế công tác Hội và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tình hình mới, Hội Nông dân kiến nghị cần sớm có chuyên đề nghiên cứu về giai cấp nông dân, qua đó cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để đề ra chủ trương, giải pháp xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ mới; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW nhằm tạo sự đột phá trong phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, cũng như đổi mới bộ mặt nông thôn.

Hội Nông dân cũng đã nêu nhiều kiến nghị về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ hiệu quả cho nông dân, làm tốt công tác quy hoạch sản xuất gắn với chế biến./.

TTXVN