Quên mình vì đồng đội

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:02, 13/09/2011

(HNM) - Hàng chục năm nay, ông Trần Hậu Vệ (sinh năm 1944, thương binh hạng 1/4, ở Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) nỗ lực vượt lên thương tích, bệnh tật, tuổi tác, không ngừng kiếm tìm đồng đội, giúp đỡ gia đình những người đã khuất.


18 tuổi, ông Vệ rời quê hương (Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhập ngũ, rồi tham gia "đoàn tàu không số". Sau năm 1975, ông tiếp tục vận chuyển hàng, xây dựng, củng cố các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 1984, ông được nghỉ chế độ. Nhà nghèo, con nhỏ, ông bươn chải đủ nghề, từ buôn bán tới sửa chữa xe đạp, bán hàng tạp hóa… Bận rộn mưu sinh nhưng không lúc nào ông nguôi quên đồng đội. Dù ở đâu, ông cũng dò hỏi, tìm kiếm, từ Bắc tới Nam. Được gặp lại bạn cũ, ông rút đến đồng tiền cuối cùng để chia sẻ, viết bài về cuộc sống của đồng đội, thân nhân, vận động cộng đồng cùng giúp đỡ. Nhờ vậy, nhiều CCB và thân nhân đã được các đoàn thể, chính quyền giúp đỡ xây nhà, hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuổi cao, đến nay ông không nhớ được mình đã tìm lại được bao nhiêu đồng đội, cùng họ chia sẻ ngọt bùi, động viên nhau sống xứng đáng với những năm tháng hào hùng.

Là một trong những nhân chứng sống của các trận chiến ác liệt trên biển, ông tận dụng thời gian để tìm kiếm những đồng đội không may đã ngã xuống, xoa dịu nỗi đau của những người mẹ, người cha... Theo trí nhớ, ông lần lại những địa điểm năm xưa tàu không số gặp sự cố phải chiến đấu, gặp lại những người từng sống trong vùng chiến trận. Nghị lực vượt khó của ông đã khiến nhiều người cảm động, hết lòng hỗ trợ. Trong số đó có Trung tá Nguyễn Đình Kiến (ở An Khê, Đà Nẵng), người từng "chốt" lâu năm ở bến Vũng Rô - nơi 18 chiến sĩ tàu 235 hy sinh ở vịnh dưới chân đèo Cả (Phú Yên - Khánh Hòa). Ông Kiến nhớ lại: Ngày đó, lực lượng trên bờ đã lặn mò, vớt được một số thi thể. Nhưng sau này, chiến sự ác liệt đã làm mất hết bia mộ, giờ chỉ còn lại những nấm mồ chung, không thể xác định được phần cốt của ai. Dù vậy, ông Vệ cũng yên lòng, bởi các gia đình liệt sĩ hy sinh ở bến Vũng Rô, trong đó có người thân của thuyền phó Đoàn Văn Nhi, Vũ Tá Tu… đã được tới tận mộ thắp hương cho người thân.

Những ngày đầu tháng 9 này, nằm trên giường bệnh, ông Vệ vẫn dành thời gian đọc báo, nghe đài, mong ngóng tin tức của đồng đội. Trong thẳm sâu, ông nghĩ mình được sống thì phải nỗ lực để đền đáp những người đã hy sinh cho cuộc đời hôm nay.

Nguyễn Linh