Chuyển nợ, lỗ cho khách hàng dùng điện gánh chịu
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:51, 13/09/2011
Theo phương án này, việc tách một sóng mang (carrier) trong 3 sóng mang của mạng CDMA 450 để phục vụ thị trường điện sẽ thông qua hình thức chuyển giao tài sản liên quan đến sóng mang tách ra trong số 3 sóng mang của CDMA 450 là hình thức "mua bán tài sản giữa EVN và EVNTelecom".
Khách hàng sử dụng điện thoại không dây của EVNTelecom. Ảnh: Ngọc Hà |
Để thực hiện tách một carrier, EVNTelecom sẽ phải tách các BTS hiện có của mạng CDMA 450 để cung cấp một carrier tách ra, bao gồm các thiết bị viễn thông tại BTS. Phần thiết bị tách ra sẽ được chuyển giao cho EVN thông qua hợp đồng mua bán tài sản giữa EVN và EVNTelecom. Các tài sản là các thiết bị truyền dẫn tại BTS đang sử dụng chung cho cả 3 sóng carrier của mạng CDMA 450, các thiết bị viễn thông tại BTS liên quan đến phần sóng mang còn lại sẽ tiếp tục do EVNTelecom quản lý và khai thác sử dụng. Tính đến ngày 30-6-2011, số lượng BTS phục vụ một carrier tách ra là 2.098 BTS, như vậy, giá tách ra và chuyển giao cho EVN là hơn 3.117 tỷ đồng và giá trị phần sóng mang thuộc carrier thứ 2 và 3 để lại EVNTelecom chỉ còn khoảng 762,4 tỷ đồng. Với carrier thứ 2 và 3 được giữ lại này chỉ phủ sóng một số tỉnh Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… thì EVNTelecom sẽ gần như không còn gì để kinh doanh (!?).
Việc chuyển giao sang phục vụ thị trường điện với giá trị lớn gấp hơn 4 lần giá trị giữ lại để EVNTelecom kinh doanh buộc phải đặt câu hỏi: nếu thị trường viễn thông chưa có nhu cầu thì tại sao EVNTelecom lại đầu tư quá lớn như vậy?
Trở lại vấn đề tách một carrier của mạng CDMA 450 của EVNTelecom sang phục vụ thị trường điện và hệ thống điện đo đếm từ xa, đồng nghĩa với việc chuyển giao giá trị mà EVNTelecom đang nợ sang cho thị trường điện phải gánh, giá điện phải gánh và tóm lại là bổ vào "hầu bao" của khách hàng sử dụng điện.
Để phục vụ thị trường điện, từ nay đến năm 2015, đo đếm tại các nhà máy điện sẽ cần đọc khoảng 70-100 công tơ; đến giai đoạn bán buôn cạnh tranh (2015-2020) mới có nhu cầu đo đếm đến cấp điện áp 110kV, nhưng cũng chỉ đo đếm tại ranh giới giữa các Tổng Công ty (TCT) Điện lực và như vậy thì sau năm 2015 mới cần đến. Trong điều kiện nền kinh tế và đời sống người dân hiện nay, tại sao EVN không chọn giải pháp thuê kênh của EVNTelecom hay bất cứ đơn vị viễn thông nào có giá thành hợp lý để không gây sức ép tăng giá điện?
Chưa hết, muốn triển khai hệ thống đo đếm từ xa sử dụng đo đếm bằng CDMA, phải thay thế toàn bộ công tơ cơ hiện nay bằng công tơ điện tử. Hiện EVN có khoảng 18 triệu khách hàng (EVN bán trực tiếp), nếu phải thay thế công tơ điện tử thì sẽ phải cần đầu tư nhiều tỷ USD, đây là yếu tố thiếu tính khả thi trong điều kiện hiện nay.
Hiện nay, giá công tơ 3 pha là 250 USD/1 công tơ. Theo lộ trình, trong năm 2011 và hết năm 2012 sẽ lắp đặt được khoảng một triệu công tơ điện, chưa kể chi phí thi công, riêng chi phí cho mua công tơ đã lên tới 250 triệu USD. Nếu lấy con số công tơ khách hàng do ngành điện đang quản lý bán điện trực tiếp là 18 triệu công tơ, sẽ phải chi phí vào tiền mua công tơ 4,54 tỷ USD. Đây là con số không nhỏ nếu bị đẩy vào giá điện. Và đó là giải pháp lãng phí không cần thiết và đầy nguy hiểm.
Điều dễ nhận thấy những khoản nợ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng của EVN đang được "treo" lại chưa được tính vào chi phí kinh doanh sẽ là sức ép tăng giá điện.
Đó là khoản lỗ 11.000 tỷ đồng do mua điện giá cao từ một số nhà máy điện độc lập. Sau khi cắt hết lợi nhuận của các công ty truyền tải, phân phối đã rút xuống được lỗ cơ bản còn 8.000 tỷ đồng. Sau đó là khoản chênh lệch tỷ giá, khoảng 17.000 tỷ đồng.
Với khoản lỗ 8.000 tỷ đồng, phương án giá điện năm 2011 (đã áp dụng từ ngày 1-3-2011) nhưng chưa được tính vào giá điện. Sau khi có kết quả kiểm toán cuối tháng 5, EVN sẽ báo cáo để đưa vào kế hoạch phân bổ trong kế hoạch tăng giá điện tới. Còn khoản 17.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá, EVN đã báo cáo Chính phủ phân bổ từng bước vào giá điện.
Các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần lên tiếng về việc cần công khai, minh bạch hóa quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có việc công bố các kết quả kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán chi phí kinh doanh của các đơn vị này.
Chuyển giá điện theo cơ chế thị trường được đánh giá là hợp lý, tuy nhiên, song song với nó cần phải có những cơ chế giám sát và kiểm soát hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh của ngành điện.
Thiếu vốn nhưng lại đầu tư vào ngân hàng, bất động sản
EVN là một ngành kinh tế đặc biệt quan trọng. Vì vậy, việc đầu tư ra ngoài ngành của EVN phải được cân nhắc khi vốn cho các công trình điện đang còn thiếu nghiêm trọng, đặc biệt là khi Quy hoạch điện VII vừa được Chính phủ phê duyệt, đã xác định nhu cầu huy động vốn lên tới 5 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2010 - 2020 và khoảng 7,5 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2021-2030. Việc hình thành cơ chế thích hợp để huy động vốn đầu tư vào ngành điện là bài toán mới đặt ra đối với nền kinh tế trong điều kiện kinh tế thế giới cũng đang gặp khó khăn.
Trước đây, trong giai đoạn thực hiện Quy hoạch điện VI cũng vì thiếu vốn, nên việc phát triển nguồn điện chỉ đạt 80% kế hoạch. Bên cạnh các khó khăn liên quan tới giải phóng mặt bằng, năng lực quản lý của nhà thầu cơ chế, tình trạng nợ tiền thanh toán nhà thầu diễn ra trên hầu hết công trình điện… đã khiến nhiều dự án điện chậm tiến độ so với kế hoạch.
Những năm gần đây, EVN mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực tài chính, bất động sản, viễn thông… Ví như, năm 2008, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực được chính thức thành lập và hoạt động với số vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng, trong đó EVN sở hữu 40%. EVN cũng là cổ đông chiến lược của Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank), một trong 10 ngân hàng TMCP có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam hiện nay với vốn điều lệ đạt trên 3.830 tỷ đồng (tính đến tháng 12-2010). Ngoài ra, EVN còn liên kết với Công ty cổ phần Chứng khoán Hà Thành; Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Sài Gòn Vina, Điện lực miền Trung, EVNLand Nha Trang...
Về lĩnh vực viễn thông, năm 2009, EVN và Hanoi Telecom đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược trong vòng 10 năm. Theo thỏa thuận trong 3 năm đầu tiên, liên danh EVN Telecom (đơn vị trực thuộc EVN) và Hanoi Telecom sẽ đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng cho triển khai dịch vụ 3G, bảo đảm phủ sóng tới 50% dân cư khi cung cấp dịch vụ. Ngày 9-6-2010, đơn vị này đã chính thức cung cấp dịch vụ 3G ra công chúng.
Hiện chưa có một tổng kết đánh giá hay công bố chính thức nào về hiệu quả đầu tư ra ngoài ngành, cũng như những khoản lỗ mà EVN đã gây ra khi đầu tư ra ngoài ngành, nhưng các chuyên gia kinh tế về cơ bản cho rằng lợi đâu chẳng thấy mà mới chỉ thấy thua lỗ. Vì thế, nay việc EVN chuyển nợ, lỗ của viễn thông cho người dùng điện gánh chịu lại là một nguy hiểm mới trong quản lý.