Xin tiễn biệt bác Năm Công
Chính trị - Ngày đăng : 06:48, 13/09/2011
Đông đảo người dân TP Hồ Chí Minh tiễn đưa đồng chí Võ Chí Công.
Ông Huỳnh Văn Ngọc (nguyên Phó Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh) lặng lẽ thắp nén hương lên linh cữu, rồi lại lặng lẽ lên xe buýt (phục vụ tang lễ) ngồi chờ. Ở tuổi ngót 80, nhưng ông lụi cụi dậy từ 4 giờ sáng để bắt xe ôm đi "tiễn bác Công". Nghe thế, ngỡ ông cụ là đồng hương, chí ít cũng từng một thời cận kề với đồng chí Võ Chí Công, hóa ra ông Ngọc tuy công tác ở Văn phòng Trung ương Cục miền Nam (ở Tây Ninh) từ những năm 1960-1961, nhưng chưa bao giờ có dịp gặp hay làm việc trực tiếp với "bác Năm". Vậy nhưng với ông Ngọc thì đồng chí Võ Chí Công là một người đáng kính trọng. Ông rưng rưng nói: "Tôi quý trọng bác Năm Công bởi bác là người tài giỏi, dám nghĩ, dám quyết, dám làm vì dân, vì nước. Bằng chứng là hồi cuối tháng 3 năm 1975, trên đường lên Tây Nguyên gặp Đại tướng Văn Tiến Dũng, chứng kiến diễn biến chiến trường mau lẹ, bác Năm Công đã điện xin Bộ Chính trị cho phép khẩn trương giải phóng Đà Nẵng, đồng thời điện cho Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 5 chuyển hướng tấn công lên phía bắc. Đó là một quyết định kịp thời, táo bạo, nhờ đó quân ta giải phóng Đà Nẵng nhanh, thần tốc mà ít tốn xương máu. Sau khi đất nước thống nhất, bác Năm Công ra Trung ương, tôi có xem tin tức báo chí và cần phải khẳng định rằng, một lần nữa sự quả quyết của bác Năm Công trong việc kiên định ủng hộ "khoán" để cho ra đời Chỉ thị 100, hay gọi là "khoán 100", đã đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn".
Khi đoàn xe chở linh cữu nguyên Chủ tịch Võ Chí Công rời Hội trường Thống Nhất, đến nơi yên nghỉ ở Nghĩa trang thành phố, hàng ngàn người dân đã đứng dọc theo các đại lộ Lê Duẩn, Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ, Xa lộ Hà Nội… nơi linh cữu đi qua để tiễn biệt người con ưu tú của dân tộc, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo xuất sắc và người đồng đội, đồng hương chí tình về nơi yên nghỉ cuối cùng. Ánh mắt rơm rớm của nhóm bạn trẻ dõi theo đoàn xe chở linh cữu trên đường vào Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức) đã níu chúng tôi dừng ít phút bên đường, bạn trẻ Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, nói: "Em và các bạn đã có mặt từ rất sớm để chờ đoàn xe tang chở linh cữu bác Võ Chí Công đi qua để tiễn biệt bác lần cuối. Là thế hệ sau nhưng em đã nghe nhiều về tài đức của bác Công và vô cùng ngưỡng mộ bác. Noi gương bác, em sẽ cố gắng học tập và làm việc để trở thành người có ích cho xã hội".
Sau khi bỏ nắm đất cuối cùng tiễn biệt người lãnh đạo, đồng chí, đồng đội, đồng hương của mình, kết thúc lễ an táng mà nhiều người vẫn còn nấn ná không muốn rời đi. Ông Nguyễn Ngọc Giác, sinh năm 1928, ngồi lặng lẽ trên ghế đá trong góc nghĩa trang để tưởng nhớ người thủ trưởng của mình. Ông Nguyễn Ngọc Giác nguyên là chiến sĩ liên lạc của thủ trưởng Võ Toàn (Võ Chí Công) từ năm 1945, khi đồng chí Võ Chí Công còn là Chính ủy Trung đoàn 93 (thuộc Ủy ban Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng). Dù thời gian công tác cận kề với đồng chí Năm Công không dài, nhưng ông Giác mãi mãi quý trọng người lãnh đạo hết sức giản dị và gần gũi của mình. Bởi thế, từ sáng sớm, ông Giác đã đi xe ôm từ Củ Chi đến Hội trường Thống Nhất để viếng, thắp hương và tiễn đưa người lãnh đạo của mình đến nơi yên nghỉ cuối cùng với một nỗi niềm thành kính, tiếc thương. Ông bảo, nghi lễ xong rồi, nghỉ một tí rồi ông lại về nhà đồng chí Võ Chí Công (ở phường Thảo Điền, quận 2) để thắp hương cho thủ trưởng rồi mới về nhà...
Nguyên Chủ tịch Võ Chí Công đã về nơi yên nghỉ cuối cùng. Thế nhưng suốt dọc chiều dài đất nước, hàng chục triệu đồng chí, đồng bào sẽ còn nhớ mãi người con ưu tú của dân tộc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo yêu nước thương dân, tài ba đức độ, có tầm nhìn xa trông rộng. Họ sẽ còn nhắc mãi đến ông với những cái tên giản dị mà rất đỗi thân thương: bác Năm Công, Thủ trưởng Công, bác Công…
Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng chí Võ Chí Công!