Ngăn cơn sóng cồn
Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 13/09/2011
Cùng ngày, Ai Cập cũng tuyên bố sẽ đưa những người có dính líu tới vụ bạo lực nhằm vào sứ quán Israel ở Cairo ra một tòa án an ninh tình trạng khẩn cấp.
Lực lượng quân đội Ai Cập đã được huy động để ngăn ngừa hành động quá khích. |
Trước đó, tối 9-9, người biểu tình quá khích tại thủ đô Cairo đã xông vào khu nhà sứ quán Israel, quăng cả tài liệu có dấu "mật" ra ngoài. Rất may, nhờ phản ứng kịp thời của lực lượng an ninh, 80 nhân viên của sứ quán Israel cùng gia đình đã được sơ tán an toàn khỏi Cairo. Hiện chỉ có Phó Đại sứ Israel vẫn ở Ai Cập. Sau vụ việc này, Ai Cập đã đặt lực lượng an ninh trong tình trạng báo động cao. Ba người thiệt mạng và 1.049 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát.
Đây không phải là lần đầu tiên căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia này. Gần đây nhất, hồi cuối tháng 8-2011, sau vụ không quân Israel bắn chết ít nhất 5 nhân viên an ninh Ai Cập khi truy đuổi các tay súng tấn công vào miền Nam Israel, Ai Cập đã triệu hồi đại sứ ở Israel để phản đối. Phản ứng ngoại giao này làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Chính phủ lâm thời Ai Cập đã lên tiếng cáo buộc Israel vi phạm Hiệp ước Hòa bình 1979 và nhấn mạnh rút đại sứ về nước cho đến khi Israel có kết luận rõ ràng về cái chết của các nhân viên an ninh Ai Cập. Bên cạnh đó, nhà chức trách Ai Cập cũng đã triệu đại sứ Israel ở Cairo để trao thư phản đối vụ việc. Trong khi đó, hàng ngàn người Ai Cập đã vây quanh tòa đại sứ Israel ở Cairo yêu cầu đại sứ Israel rời khỏi Ai Cập ngay lập tức; đòi nhà chức trách Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel. Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ giữa hai bên kể từ khi chế độ của ông Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2-2011.
Trong bối cảnh chảo lửa Trung Đông chưa hạ nhiệt, đặc biệt làn sóng biểu tình lật đổ đã và đang là nhân tố gây mất ổn định khu vực Trung Đông, Bắc Phi thì những diễn biến vừa qua càng khiến tình hình trở nên khó kiểm soát. Nó có thể châm ngòi cho những cuộc khủng hoảng tiếp theo, đẩy sự việc tới chỗ không thể kiểm soát nếu chính phủ hai nước không có quyết tâm và thiện chí. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng B.Netanyahu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ "sự quan ngại lớn" về vụ việc và giải thích về những biện pháp mà Washington sẽ áp dụng để đối phó với tình hình; trong đó có việc kêu gọi Ai Cập "tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của nước này bảo đảm an ninh cho sứ quán Israel"…
Hiện tại, sau những hành động kịp thời và tích cực cũng như thiện chí của cả hai phía, đám mây đen đang phủ lên quan hệ hai nước đã tạm thời được xua tan. Tuy nhiên, những nỗ lực này cần phải triệt để và liên tục mới hy vọng ngăn ngừa cuộc khủng hoảng như một cơn sóng cồn đang nhăm nhe nhấn chìm mối quan hệ giữa hai quốc gia bên bờ Địa Trung Hải.