Đe dọa an toàn đê và đất nông nghiệp
Đời sống - Ngày đăng : 07:19, 12/09/2011
Người xây, kẻ phá
Đơn vị thi công đang khẩn trương xử lý điểm sạt lở cách chân đê 8,2m.
Đứng tại vị trí K1 đến K1+150 bờ hữu sông Cà Lồ, thuộc xã Xuân Nộn, nhóm PV đã chứng kiến cảnh "chướng tai, gai mắt", trong khi phương tiện máy móc, người lao động đang chạy đua với thời gian để khắc phục khẩn cấp sự cố sạt lở, thì cách đó vài chục mét, "cát tặc" ngang nhiên "hành sự" giữa ban ngày bất chấp sự ngăn cấm của cơ quan chức năng. Trước đó, vào khoảng tháng 4-2011, tại địa điểm này đã xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng với độ dài cung trượt hơn 200m, điểm sạt lở gần đê nhất chỉ cách 8,2m với vách đứng cao 6m, gây nguy hiểm và mất an toàn cho đê. Trước tình hình này, TP Hà Nội đã phê duyệt dự án xử lý khẩn cấp với kinh phí 8 tỷ đồng và đến thời điểm này, dự án cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, đơn vị thi công đang khẩn trương thi công các hạng mục phụ còn lại.
Qua khảo sát trên địa bàn xã Xuân Nộn, nhóm PV Hànộimới tiếp tục phát hiện 2 điểm sạt lở nguy hiểm, đe dọa đến hệ thống đê và đất nông nghiệp. Ở điểm sạt lở thứ nhất, cách điểm sạt lở đang được xử lý chỉ vài trăm mét đã xuất hiện cung trượt dài khoảng 300m, ăn sâu vào bờ bãi, vách đứng cao từ 4m đến 6m. Đáng ngạc nhiên là ngay điểm sạt lở vẫn có tàu hút cát neo đậu, thậm chí bên bờ tả sông, tàu hút hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra. Một người dân địa phương cho biết, hoạt động khai thác cát kéo theo tình trạng sạt lở làm mất đất nông nghiệp diễn ra cách đây 3-4 năm, nhưng rộ nhất là năm 2009 và 2010. Có thời điểm, hàng chục điểm khai thác, tập kết vật liệu xây dựng hoạt động rầm rộ dọc sông Cà Lồ. Tại điểm sạt lở thứ hai, ngay sát cánh đồng Tín, cung trượt cũng khá dài, vách đứng cao từ 5m đến 7m. Ở hiện trường xuất hiện nhiều vết tích mới cho thấy, sạt lở vẫn đang phức tạp cho dù mực nước sông khá thấp. Nguy hiểm hơn khi vào thời điểm nước lên xuống thất thường, một ngày có vị trí sạt sâu vào bờ bãi đến 3m, cuốn trôi nhiều diện tích đất nông nghiệp màu mỡ. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tuyến bờ hữu sông Cà Lồ từ điểm cầu đường sắt Đông Anh đi Thái Nguyên đến bãi dự trữ cát dài khoảng 1.000m, có những cung sạt trượt chỉ cách chân đê từ 8m đến 20m, đang uy hiếp trực tiếp đến sự ổn định và an toàn tuyến đê.
Bất lực vì "cát tặc"?
Sông Cà Lồ có tiết diện mặt cắt không lớn, cao trình đỉnh đê trung bình khoảng + 10,5m, tuyến đê đi qua vùng dân cư đông đúc. Hệ thống đê được hình thành từ lâu, cấu tạo thân đê phức tạp, đất đắp không đồng nhất, nhiều đoạn đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Cứ sau mỗi mùa mưa, diễn biến xói lở bờ sông Cà Lồ lại trở thành mối hiểm họa khôn lường cho đê và đất nông nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do các tàu thuyền khai thác cát ở lòng sông làm mất ổn định bờ sông. Ngoài ra, lòng dẫn khu sạt lở mạnh xuất hiện nhiều lớp cát và cát pha kết cấu rời rạc nên dễ bị xói trôi dưới tác động của dòng chảy. Ở phía hạ lưu đê tồn tại nhiều ao hồ sát chân đê kết hợp mực nước sông Cà Lồ về mùa kiệt thấp, tạo chênh lệch cột nước lớn đã gây nên tình trạng thẩm thấu, làm suy giảm mức độ ổn định mái sông. Ngay tại vị trí K1+50 đang được gia cố thả đá hộ chân, trước đây xuất hiện dòng thấm rò rỉ với lượng thấm khá lớn.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông Cà Lồ, mới đây, Cục Quản lý đê điều và PCLB, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội báo cáo UBND TP thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê. Trên thực tế, huyện Đông Anh và huyện Sóc Sơn đã ban hành kế hoạch liên tịch xử lý tình trạng hút cát trái phép trên sông Cà Lồ. Tuy nhiên, sự phối hợp chưa đồng bộ, còn lỏng lẻo khiến các đối tượng coi thường kỷ cương, lòng sông thì bị "rút ruột". Theo Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn Nguyễn Doãn Lương, các lực lượng của xã đã tổ chức ra quân cưỡng chế, vây bắt đối tượng khai thác, vận chuyển, tập kết cát. Hiện 5 bãi cát trên địa bàn xã đã dừng hoạt động, nhưng việc xử lý tàu hút cát trộm đang gặp khó khăn vì những đối tượng này manh động, hung hãn, chống trả quyết liệt lực lượng chức năng. Ông Lương bức xúc: "Cấm bờ bên này (xã Xuân Nộn) thì đối tượng chuyển tàu sang bờ bên kia (địa phận xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) hoạt động. Tàu hút cát hoạt động bất cứ khi nào thấy thuận lợi như đêm, sáng sớm, giữa trưa… để lẩn tránh cơ quan chức năng. Lực lượng mỏng, chúng tôi không thể canh giữ 24/24 giờ". Thực tế này cho thấy, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và cơ quan chức năng thì khó lòng trị được "cát tặc" trên sông Cà Lồ, hiểm họa sạt lở đê, đất nông nghiệp vẫn luôn đe dọa.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thành xử lý khẩn cấp sạt lở tại khu vực bờ sông tương ứng K1-K1+150; yêu cầu Sở NN&PTNT làm rõ nguyên nhân, mức độ sạt lở, biện pháp xử lý, triển khai các thủ tục và thực hiện việc xử lý theo đúng quy chế xử lý sạt lở bờ sông đối với những khu vực còn lại.