HuJI - thách thức nguy hiểm tại Nam Á

Hồ sơ - Ngày đăng : 07:10, 12/09/2011

(HNM) - Thủ đô New Dehli của Ấn Độ lại vừa chấn động bởi một vụ đánh bom ngay bên ngoài trụ sở Tòa án Tối cao khiến 11 người thiệt mạng và 61 người bị thương.

New Dehli lập tức được đặt trong tình trạng báo động cao ngay sau khi nhóm cực đoan Harkat-ul-Jihad-al-Islami (HuJI) tuyên bố đứng sau vụ nổ làm rung chuyển trung tâm chính trị của Ấn Độ. Sau vụ khủng bố tàn bạo nhằm vào dân thường, một lần nữa, cái tên HuJI lại nổi lên như một thách thức nguy hiểm với chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh.

Các thành viên HuJI có quan hệ mật thiết với Al-Qaeda.

Hoạt động chủ yếu tại một số quốc gia Nam Á như Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ, HuJI được thành lập từ năm 1984 dưới sự lãnh đạo của hai thủ lĩnh Fazalur Rehman Khalil và Qari Saifullah Akhtar và là nhóm thánh chiến đầu tiên có đại bản doanh ở Pakistan. Khalil sau đó tách ra riêng để đứng đầu một tổ chức Hồi giáo khác là Harkat-ul-Ansar (HuA) mà không lâu sau đó nổi danh như một tổ chức vũ trang đáng sợ nhất Kashmir. Khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen năm 1997, HuA đã đổi tên thành Harkat-ul-Mujahideen (HuM). HuJI đã "xuất khẩu" các chiến binh sang bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ. Dấu chân của tổ chức cực đoan khét tiếng đã hiện diện tại quốc gia láng giềng Bangladesh khi chi nhánh của HuJI được thành lập vào năm 1992 với sự hỗ trợ trực tiếp từ tổ chức của trùm khủng bố Osama bin Laden.

Cùng chia sẻ tư tưởng cực đoan Hồi giáo, HuJI và những nhóm thánh chiến khác như Lashkar-e-Toiba (LeT), HuM và Jaish-e-Mohammed (JeM) có chung động cơ hành động. Tuy nhiên, cả HuJI và HuM đều nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Taliban và theo đuổi tư tưởng trào lưu chính thống Hồi giáo kiểu Taliban. HuJI theo đuổi bạo lực như một phương thức để giải phóng Kashmir và biến vùng đất này thành một phần của Pakistan. Từ những chân rết giăng khắp nơi, các thành viên của HuJI dụ dỗ những thanh niên Hồi giáo từ căn cứ địa Khyber Pakhtunkhwa đến Azad Kashmir, Punjab và Karachi trở thành các chiến binh thánh chiến. Tổ chức này không đòi hỏi các tay súng phải tham gia những trường tôn giáo mà tập trung vào đào tạo quân sự tại các trại huấn luyện ở Afghanistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Trong suốt thời gian qua, HuJI được cho là đã liên quan đến nhiều vụ tấn công khắp khu vực Nam Á cũng như những âm mưu ám sát các nhân vật quan trọng. Tháng 9-1995, lực lượng này đã kết hợp với một số phần tử Hồi giáo trong quân đội Pakistan, trong đó có Trung tướng Zahirul Islam Abbasi và Thiếu tướng Mustansar Billah âm mưu lật đổ lãnh đạo quân đội và thực hiện cuộc cách mạng Hồi giáo để hạ bệ chính phủ của Thủ tướng lúc bấy giờ Benazir Bhutto. Tuy nhiên, mưu đồ này đã bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Còn tại Bangladesh, hoạt động của cánh vũ trang thuộc HuJI ngày càng gia tăng với các chương trình huấn luyện tại Chittagong và Cox's Bazaar. Thành viên HuJI đã từng có kế hoạch ám sát Shamsur Rahman, một nhà thơ tự do nổi tiếng vào tháng 1-1999; đồng thời HuJI cũng là nghi phạm hàng đầu cho âm mưu giết hại Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina vào năm 2000 cùng một số vụ đánh bom nghiêm trọng vào năm 2005 trước khi chính thức bị Dhaka cấm hoạt động vào tháng 10 năm đó. Ở Ấn Độ, vết tích của HuJI cũng đậm nét ở nhiều nơi. Tháng 4-2006, 6 kẻ khủng bố thuộc HuJI bị cảnh sát Ấn Độ phát hiện khi đang thực hiện một âm mưu tấn công, trong đó có các vụ đánh bom ở Varanasi và phá hủy hai đền thờ Hindu.

Vì những hành động nguy hiểm đến cuộc sống nhân loại, tháng 6-2010, Mỹ và Liên hợp quốc đã đưa HuJI vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế và thủ lĩnh nhóm này Ilyas Kashmiri là đối tượng truy nã đặc biệt. Tên này đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Nam Waziristan vào ngày 4-6 vừa qua. Hắn bị cáo buộc dính líu đến vụ đánh bom một hiệu bánh ngọt Đức ở thành phố Pune của Ấn Độ ngày 13-2-2010 và từng đe dọa thực hiện khủng bố ở các thành phố và những sự kiện thể thao quan trọng. Việc Kashmiri bị tiêu diệt được xem là một tổn thất lớn với tổ chức khủng bố đang phá vỡ sự bình yên tại Nam Á.

Minh Nhật