Nga khẳng định sức mạnh năng lượng
Thế giới - Ngày đăng : 07:04, 12/09/2011
Khí đốt kỹ thuật đang được bơm vào đường ống nhằm tạo áp suất để chính thức vận chuyển khí đốt cung cấp cho các khách hàng châu Âu. Dự kiến vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới, Đức sẽ nhận được những mét khối khí đốt đầu tiên từ đường ống này. Với chiều dài 1.220km, "Dòng chảy phương Bắc" có điểm xuất phát từ Wyborg (Liên bang Nga) và điểm cuối là Tây nam thành phố Lubmin - cảng Greifswald (Đức). Theo thiết kế, tuyến dẫn khí gas trị giá 8,8 tỷ euro (tương đương 12,5 tỷ USD) gồm 2 đường ống đường kính 1,15m chạy song song và có khả năng dẫn được 55 tỷ mét khối khí gas mỗi năm khi tăng gấp đôi công suất vào năm 2013. Đây là dự án được người châu Âu gọi vui là dự án "Putin-Schroder" vì ý tưởng hình thành từ năm 2005 khi ông Gerhard Schroder làm Thủ tướng Đức và Thủ tướng Vladimir Putin làm Tổng thống Nga.
Trên thực tế, xây dựng một đường ống vận chuyển khí đốt sang châu Âu mà không phải quá cảnh một nước nào luôn là mục tiêu lớn của Mátxcơva, nhất là sau cuộc khủng hoảng khí đốt với Kiev lần đầu tiên năm 2006. Sự ra đời của "Dòng chảy phương Bắc" có tầm quan trọng chiến lược, giúp Nga bảo đảm cam kết về an ninh năng lượng cho các khách hàng châu Âu; đồng thời cũng khẳng định vai trò và tầm ảnh hưởng của xứ sở Bạch Dương tại khu vực này.
Bên cạnh "Dòng chảy phương Bắc", Nga cũng đang tích cực thúc đẩy dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam". Đường ống dài 900km này có nhiệm vụ vận chuyển 30 tỷ mét khối khí/năm, từ Nga qua biển Đen vào Bulgaria, tiếp đó chia thành hai nhánh, một hướng về phía Tây bắc tới Áo, nhánh còn lại hướng về phía Nam tới Hy Lạp và sau đó quay sang phía Tây tới miền Nam Italia. Dự án do Công ty Gazprom của Nga và Công ty Eni của Italia phối hợp thực hiện, dự kiến đi vào hoạt động năm 2013.
Dù nhiều nước châu Âu đã chỉ trích mạnh mẽ vì cho rằng việc xây dựng hai đường ống này sẽ khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào năng lượng của Nga và làm phương hại nỗ lực tự do hóa thị trường năng lượng của lục địa này, tuy nhiên, trước mắt khi chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu nào thì Cựu lục địa buộc phải chấp nhận thực tế không mong muốn này. Vì hiện nay, việc khởi công xây dựng Nabucco, vốn được coi là "đối thủ cạnh tranh" của các đường ống dẫn khí từ Nga vẫn chưa được triển khai. Dù ý tưởng được đưa ra từ vài năm trước song mới đây, dự án đường ống trị giá khoảng 7,9 tỷ euro này lại bị hoãn ít nhất đến năm sau. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do nhiều nước Trung Á, đặc biệt là Turkmenistan, chần chừ trong việc ký hợp đồng cung cấp khí đốt cho đường ống này. Nếu đến năm 2012 mới khởi công Nabucco thì sớm nhất tới cuối năm 2014, các nước châu Âu mới có thể tiếp cận được lượng khí đốt từ khu vực biển Caspi.