Dịch cúm A/H5N1: Không thể chủ quan
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:53, 12/09/2011
Virus cúm H5N1 đã biến đổi
Theo thống kê của WHO, kể từ khi xuất hiện lần đầu vào năm 2003, dịch cúm A/H5N1 đã khiến nhiều người tử vong. Ở nước ta, dịch cúm A/H5N1 trên người được ghi nhận từ tháng 12-2003 với tích lũy số mắc/tử vong do dịch bệnh này đến nay là 119/59 trường hợp tại 39 tỉnh, thành phố. Từ đầu năm 2011 đến nay, lẻ tẻ xuất hiện các ổ dịch ở gia cầm nhưng đáng mừng là không xảy ra dịch ở người (ca bệnh nhiễm cúm A/H5N1 gần đây nhất là vào đầu tháng 4-2010). Dịch bệnh nguy hiểm này đã tạm lắng nhưng FAO cảnh báo sự tăng trở lại của dịch cúm A/H5N1 thông qua các đàn chim và sự biến đổi của virus cúm A/H5N1 phân nhóm 2.3.2 tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Virus biến đổi này có đặc điểm di truyền giống với các virus 2.3.2 được phân lập trước đó (từ năm 2004) ở khu vực Đài Loan, Hồng Kông và nam Trung Quốc.
Phun thuốc khử trùng tiêu độc khu vực buôn bán gia cầm tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN) |
Bình luận về cảnh báo của FAO, PGS, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, sự biến đổi nhỏ này của virus cúm gia cầm không có gì bất thường và đáng ngạc nhiên. Đây chỉ là biến đổi nhỏ của virus chứ chưa thể tạo ra một chủng virus mới. Cũng theo ông Nguyễn Trần Hiển, ngay sau cảnh báo của FAO, WHO cũng ra thông báo khẳng định sự biến đổi của virus không làm tăng nguy cơ đối với con người. Bức tranh về cúm gia cầm ở người vẫn không thay đổi. Cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra chủ yếu tại khu vực có sự lưu hành của virus ở gia cầm, khi có sự tiếp xúc với gia cầm hay môi trường bị nhiễm virus.
Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, trong giai đoạn từ 2007 đến 2010, mỗi năm có 5-7 ca bệnh nhiễm cúm A/H5N1 ở người. Các ca bệnh xảy ra tản phát ở các tỉnh, đa số người mắc có tiếp xúc hoặc ăn thịt sản phẩm gia cầm bị bệnh, tập trung chủ yếu vào kỳ đông xuân, chưa có bằng chứng lây từ người sang người. Ngay cả chủng virus cúm A/H5N1 phân lập ở người trong thời gian này cũng tương đồng với virus cúm A/H5N1 lưu hành trên gia cầm tại miền Bắc Việt Nam trong cùng giai đoạn. Hiện chưa phát hiện sự kết hợp, tái tổ hợp của virus cúm gia cầm A/H5N1 và virus cúm theo mùa lưu hành tại cùng thời điểm. Cũng không có bằng chứng về sự thay đổi độc lực hay cơ chế lây truyền của virus.
Bàng quan với cúm gia cầm
"Thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta chủ quan. Điều đáng ngại nhất là virus có thể tiếp tục biến đổi nhỏ trong quá trình tiến hóa tự nhiên, dần họp thành biến đổi lớn hay tái tổ hợp với các virus cúm lưu hành ở động vật và người để hình thành một chủng virus cúm mới có khả năng lây truyền từ người sang người "- ông Nguyễn Trần Hiển bày tỏ mối lo ngại. Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, việc quan trọng cần làm trong thời gian tới là tăng cường công tác giám sát virus cúm ở gia cầm để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thích hợp, ngăn chặn sự lây truyền dịch ở gia cầm và ngăn chặn sự lây truyền từ gia cầm sang người. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là virus cúm A/H5N1 đang lưu hành ở các đàn gia cầm, đặc biệt là ở các đàn vịt mà không có biểu hiện bệnh. Trong khi đó, cũng cần lưu ý là ở gia cầm virus cúm H5N1 đã biến đổi sang phân nhóm 2.3.2 khiến loại vắc xin sử dụng cho gia cầm đã không còn tác dụng. Bên cạnh đó là tâm lý chủ quan của cả người dân và nhà quản lý khi một thời gian dài không ghi nhận ca bệnh ở người, dẫn đến việc không thực hiện các biện pháp dự phòng vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân thường xuyên. Tại Hà Nội, gia cầm sống chưa qua kiểm dịch vẫn được bày bán công khai tại nhiều tuyến đường và chợ, bất chấp quy định của UBND TP về việc nghiêm cấm buôn bán gia cầm còn sống tại các khu vực nội thành, nội thị, các lề đường, vỉa hè, trước cổng chợ...
Các cơ quan chức năng dự báo trong năm 2011, nguy cơ bùng phát trở lại các bệnh dịch ở gia cầm vẫn cao, nhất là vào kỳ đông xuân. Việc buôn bán, kinh doanh gia cầm sống chưa qua kiểm dịch là nguy cơ dẫn tới bùng phát dịch và lây lan sang người. Do vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan, vì bệnh cảnh ban đầu của cúm A/H5N1 ở người cũng khá giống với các bệnh cúm thông thường khác là ho, sốt, mệt mỏi nên bệnh nhân nhập viện thường trong giai đoạn muộn, nguy hiểm tới tính mạng. Người dân luôn phải nâng cao ý thức phòng bệnh, thường xuyên vệ sinh tẩy uế chuồng trại bằng thuốc sát khuẩn; tiêu hủy, tiêm vắc xin cho đàn gia cầm, phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn không cho dịch lây lan. Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bị bệnh.