Đề phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:46, 12/09/2011

Nghe nói, muỗi không chỉ là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết mà còn truyền bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB), nhất là vào mùa mưa. Xin hỏi, muỗi truyền bệnh VNNB như thế nào và cách phòng bệnh này ra sao?


VNNB do virus gây ra qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Chim, súc vật nuôi, đặc biệt là lợn và chim chân dài có thể là ổ chứa virus thường gặp. Muỗi đốt súc vật bị nhiễm, sau đó truyền bệnh sang người bị nó đốt. Ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất thường là trong và ngay sau mùa mưa. Ở những vùng bệnh, 85% số trường hợp mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi. Trong năm 2001, bệnh đã làm tử vong khoảng 15.000 trẻ em trên thế giới.

Phần lớn trường hợp bị nhiễm virus VNNB có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 14 ngày, bệnh khởi phát giống như cúm: sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ em có thể gặp đau bụng trong giai đoạn đầu của bệnh. Sau 3 hoặc 4 ngày, trẻ có thể co giật, lơ mơ, hôn mê. Đáng lưu ý, bệnh ở khoảng 20% số trường hợp mắc có thể tiến triển nặng, dẫn tới tử vong. Tỷ lệ qua khỏi có di chứng não (liệt, rối loạn tâm thần) lên tới 30% - 50%.

Hiện không có cách điều trị đặc hiệu đối với bệnh VNNB mà chỉ điều trị hỗ trợ, tuy nhiên kháng sinh không có tác dụng đối với virus VNNB. Do đó, tiêm chủng vẫn là cách tốt nhất để khống chế bệnh. Bên cạnh đó, để phòng muỗi truyền bệnh, mọi người nên thường xuyên vệ sinh môi trường nơi cư trú, diệt muỗi, khi ngủ phải nằm màn.

BS Nguyễn Hùng